Cá nóc xuất hiện nhiều bất thường gây thiệt hại cho ngư dân vùng biển Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Lê Sen/TTXVN |
Nhiều ngư dân vùng biển các xã Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải (huyện Phú Vang) cho biết, trong thời gian gần đây ra khơi đánh bắt, cứ khoảng 10 con cá mắc lưới thì có tới 6-7 con cá nóc. Nhiều thuyền câu bị cá nóc cắn đứt lưỡi câu, cước chì gây thiệt hại ngư lưới cụ của người dân.
Một ngư dân ở thị trấn Thuận An than thở: "Làm nghề mấy chục năm, chưa khi nào thấy cá nóc sinh sôi như vậy, đặc biệt là trong vòng một tháng trở lại đây thì nhiều vô kể. Thả câu chỗ nào thì cá nóc vây chỗ đó, chỉ trong tích tắc là cá cắn sạch cả trăm lưỡi câu; nhất là cá nóc nóc nghệ, nóc thu to bằng cổ tay".
Năm nay, ngư dân làm nghề câu đang gặp khó khăn do cá nóc xuất hiện nhiều, cắn phá cước. Toàn thị trấn có gần 250 phương tiện đánh bắt xa và gần bờ, trong đó có khoảng 50% hành nghề câu nên thiệt hại khá lớn.
Chủ tịch UBND xã Phú Thuận Đặng Tiến Tùy cho biết, cá nóc thường xuất hiện vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 8 (dương lịch), nhưng năm nay không biết vì môi trường, khí hậu thay đổi thế nào mà cá nóc xuất hiện nhiều. Toàn xã có khoảng 800 lao động làm nghề đánh bắt; trong đó, riêng đánh bắt xa bờ bằng rường câu cá hố thường trực có khoảng 200 lao động. Số lao động này hiện nay đang gặp khó khăn vì cá nóc cắn phá câu gây hư hỏng nhiều ngư lưới cụ.
Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh khẳng định khẳng định đây là hiện tượng bất thường, hàng chục năm nay chưa khi nào cá nóc xuất hiện nhiều như thời điểm hiện tại. Có thể do biến đổi khí hậu, môi trường nhưng cụ thể thế nào thì cần phải có sự kiểm định của cơ quan chuyên mên. Trước mắt, Chi cục cũng hướng dẫn ngư dân tuyệt đối không sử dụng cá nóc làm thực phẩm và đang theo dõi, tìm hiểu nguyên nhân sự việc nêu trên.
Ngư lưới cụ của ngư dân xã Phú Thuận, huyện Phú Vang bị cá nóc cắn phá. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Sở Y tế Thừa Thiên - Huế khuyến cáo, người dân không được sử dụng cá nóc làm thực phẩm vì đây là loài thủy sản có độc tố cao. Ngay cả khi đun sôi ở nhiệt độ 1000 độ C trong 6 giờ lượng độc tố trong cá nóc mới giảm đi 50%, độc tố chỉ mất đi khi được đun sôi ở 2000 độ C trong 10 phút. Vì thế, không thể làm mất độc cá nóc bằng cách nấu và chế biến thông thường.
Các loài cá nóc độc có thể quan sát được, thường cá có thân dài từ 4cm đến 40cm, chắc, vây ngắn, đầu to, mắt lồi, thịt trắng. Cá nóc sống ở tầng đáy và sát đáy biển; vùng cửa sông, nước lợ. Độc tố trong cá nóc có thành phần chủ yếu là tetrodotoxins, thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm. Độc tố tập trung nhiều ở gan, thận, tụỵ, cơ quan sinh dục và độc tính tăng mạnh vào mùa sinh sản.
Hiện tại, các địa phương vùng ven biển Thừa Thiên - Huế tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân không chế biến cá nóc để ăn, không đánh bắt cá nóc; nếu đánh bắt được thì phải tiêu hủy...