Cà phê Việt vào chuỗi thương hiệu - Bài 2: Nhập cuộc của những 'ông lớn'

Với tâm huyết góp phần đưa thị trường cà phê về đúng "bản chất" cà phê thật 100%, từng bước đánh bật những sản phẩm kém chất lượng, nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang đầu tư phát triển ngành hàng này.

Chú thích ảnh
Một quán cà phê Highlands Coffee. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, phân phối, bán lẻ, mà còn đầu tư mở hệ thống chuỗi cửa hàng, quán cà phê để mang đến cho người dân những sản phẩm chất lượng. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức tiêu dùng hàng hóa có thương hiệu, nhất là những sản phẩm mang thương hiệu thuần Việt.

Hấp dẫn tân binh mới

Theo thống kê sơ lược dựa vào nguồn website, fanpage Facebook và do đại diện doanh nghiệp cung cấp, tính đến thời điểm tháng 12/2019, số lượng quán cà phê của các chuỗi đã có những thay đổi đáng kể. Trong đó, thương hiệu Highlands Coffee từ 240 quán lên 299 quán, The Coffee House từ 140 lên 160 quán, Trung Nguyên Legend từ 92 lên gần 100, Starbucks từ 45 quán lên 64 quán, Phuc Long Coffee & Tea từ 44 lên 60, Cộng cà phê từ 63 còn 61 (không kể 7 cửa hàng ở nước ngoài), Coffee Bean & Tea Leaf từ 15 còn 10.

Đáng chú ý, vào khoảng cuối năm 2019, Tập đoàn Trung Nguyên đã mắt Trung Nguyên E-Coffee hệ thống cửa hàng chuyên Cà phê năng lượng - Cà phê đổi mới. Trung Nguyên E-Coffee cũng mở rộng hợp tác tác chiến lược cùng 1.000 chuỗi cửa hàng tiện lợi, cũng như mở điểm tại chuỗi trạm dừng chân trên những cung đường du lịch nổi tiếng khắp Việt Nam.

Cụ thể, Trung Nguyên E-Coffee là chuỗi cửa hàng bách hóa cà phê chuyên cung ứng khách hàng những ly cà phê tuyệt phẩm, được định hướng là một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới. Đồng thời, đây là một giải pháp kinh doanh cho những người muốn tham gia vào ngành cà phê, với việc không giới hạn thực đơn, có thể bán cả trà sữa, bánh mỳ, cơm, phở...

Tiếp đến đầu năm 2020 tới nay, thị trường chuỗi cửa hàng, quán cà phê không kém phần sôi động khi chào đón những tân binh mới khi trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp đã công bố sẽ tham gia vào ngành hàng cà phê, nhất là tập trung mở hệ thống chuỗi cửa hàng. Có thể kể đến những "ông lớn" đã xây dựng được thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng và bắt tay vào "khởi nghiệp" ở ngành hàng cà phê như Nutifood, Vinamilk, PAN, Massan...

Cà phê sữa đá Việt Nam lọt vào 10 thức uống cà phê ngon nhất trên thế giới, không chỉ là một thức uống mà còn là niềm tự hào về văn hóa cà phê của người Việt. Đây cũng là động lực thúc đẩy Công ty cổ phần Nutifood thành công đóng gói “văn hóa cà phê Việt” và cho ra đời sản phẩm "cà phê sữa đá tươi" với sự tiện lợi nhưng vẫn đậm đà hương vị cà phê Việt Nam.

Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, Nutifood đã hợp tác cùng một số đối tác khác để phát triển chuỗi cửa hàng, quán cà phê Ông Bầu. Ghi nhận thực đơn tại chuỗi cửa hàng, quán cà phê Ông Bầu có phong phú thức uống chiều lòng khách hàng, gồm: trà sữa, trà vải, latte; các loại sữa chua, nước thanh lọc cơ thể… Bên cạnh đó, những món đặc trưng làm nên tên tuổi, nét riêng của thương hiệu Ông Bầu như cà phê, cà phê trứng hay Pandan Macchiato vừa thơm mùi lá dứa, vừa có vị béo ngọt của sữa và pha trộn vị đăng đắng đặc trưng của cà phê.

Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch NutiFood, triết lý kinh doanh của doanh nghiệp chỉ một chữ “THẬT", nên chuỗi cửa hàng, quán cà phê Ông Bầu mang cà phê thật đến cho mọi người và trả lại giá trị đúng cho cà phê. Cũng với tinh thần này, chuỗi cửa hàng, quán cà phê Ông Bầu đã có cơ hội gặp gỡ với nhiều đối tác cùng chung chí hướng.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk vừa công bố sẽ phát triển ngành nghề kinh doanh có liên quan đến ăn uống, quán cà phê với thương hiệu Hi-Café. Bên cạnh đó, Vinamilk đang chuẩn bị và triển khai dự án mở chuỗi cửa hàng bán lẻ cà phê, đồ uống và những thức ăn kèm với thương hiệu Hi-Café.

Hiện tại, Vinamilk có khoảng 430 cửa hàng Giấc mơ sữa Việt, doanh nghiệp này triển khai pha chế cà phê với sữa là chính và cà phê là phụ. Đây được xem là chiến lược tận dụng lợi thế của Vinamilk để đi vào thị trường chuỗi cà phê, đồng thời khẳng định mô hình kinh doanh hiệu quả với việc không lãng phí tiền thuê mặt bằng.

Đại diện Ban lãnh đạo Vinamilk cho biết, doanh nghiệp đã mở cửa hàng đầu tiêu từ năm 2019 tại trụ sở công ty. Trong năm nay và những năm tiếp theo, Vinamilk dự kiến sẽ mở rộng thương hiệu Hi-Café thành chuỗi cửa hàng, quán cà phê tại nhiều địa phương trên cả nước.

Định hình giá trị thương hiệu

Chú thích ảnh
Các mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản Việt Nam. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Khảo sát tại nhiều thành phố lớn của Việt Nam, hệ thống chuỗi cửa hàng, quán cà phê đã trở thành địa điểm quen thuộc và một nếp văn hóa của người dân trong đời sống. Người dân đến chuỗi cửa hàng, quán cà phê để giải trí, gặp gỡ bạn bè; đồng thời cũng có người đến để tìm cho mình một không gian để làm việc, trao đổi công việc...

Trong các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và châu Á, Việt Nam cũng là một trong những nước có thị trường cà phê hấp dẫn nhất. Chính vì vậy, ngành hàng cà phê luôn được đánh giá là ngành kinh doanh có tiềm năng và nhiều dư địa phát triển dựa trên nền tảng thị hiếu tiêu dùng, văn hóa, cũng như nhu cầu của người dân rất cao.

Trên thực tế kinh doanh chuỗi cửa hàng, quán cà phê thường được nhắc đến nhiều trong lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực khởi nghiệp của thế hệ trẻ thông qua những mô hình kinh doanh hiện đại. Nhưng trong thời gian gần đây, sân chơi này lại có sự tham gia của những "ông lớn" có thương hiệu mạnh trên thị trường, đã góp phần tạo nên làn gió mới cho thị trường cà phê Việt và mang lại cơ hội được xây dựng thương hiệu với hướng đi bền vững.

Điển hình, hiện là doanh nghiệp nằm trong top các đơn vị đứng đầu cả nước về xuất khẩu cà phê, Công ty cổ phần Phúc Sinh đã xây dựng chuỗi cửa hàng, quá cà phê và sở hữu thương hiệu K Coffee. Mặc dù vậy, thương hiệu này không chạy đua mở chuỗi cửa hàng, quán cà phê mà kinh doanh với phương châm có lời mới mở.

Còn theo chia sẻ của đại diện thương hiệu chuỗi cửa hàng, quán cà phê The Coffee House, để xây dựng năng lực cốt lõi, trong năm 2019 hệ thống này chủ động mở cửa hàng chậm. Đồng thời, kế hoạch của The Coffee House sẽ tăng cường mở thêm cửa hàng trong năm 2020, với phương thức tự mở và vận hành, chưa có kế hoạch thực hiện nhượng quyền thương hiệu.

Khi tham gia vào thị trường chuỗi cửa hàng, quán cà phê, nhiều đơn vị kinh doanh hay kể cả những "ông lớn" đang muốn chen chân vào ngành này đều có tham vọng trở thành những thương hiệu đại diện cho cà phê Việt Nam, chứ không đơn thuần là kinh doanh bán lẻ. Trước bối cảnh này, hầu hết chuỗi cửa hàng, quán cà phê thuần Việt đang không ngừng ngại phủ sóng rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước, cũng như xuất ngoại thương hiệu và mở cửa hàng tại thị trường nước ngoài.

Trong số đó, có thể kể đến thương hiệu Phuc Long Coffee & Tea đã thành công khi có 6 cửa hàng tại Hà Nội, sau khi xây dựng hệ thống chuỗi cửa hàng, quán cà phê tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Hay thương hiệu Cộng cà phê đã vượt ra khỏi biên giới để mở cửa hàng tại Hàn Quốc và Malaysia.

Trước Cộng cà phê, thì Trung Nguyên Legend cũng đã vươn ra thị trường nước ngoài thành công với khoảng 10 cửa hàng chủ yếu ở châu Á. Trung Nguyên Legend đã mặt ở nhiều quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản, Singapore...

Theo ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch công ty cổ phần Đồng Tâm, đối với bất cứ doanh nghiệp nào thách thức lớn nhất vẫn là làm sao tìm ra mô hình kinh doanh khởi nghiệp hiệu quả tạo việc làm cho người lao động. Tiếp theo, doanh nghiệp mới thúc đẩy từng bước xây dựng được thói quen uống cà phê thật và mô hình đó tự tạo được nguồn đóng góp ngược lại cho an sinh xã hội.

Để phát triển bền vững, bên cạnh thức uống chủ lực là cà phê thuần Việt với nguồn nguyên liệu chất lượng của Việt Nam, đơn vị kinh doanh cần có thực đơn đa dạng, thơm ngon và bổ dưỡng phù hợp cho nhiều đối tượng khách hàng. Những thức uống dinh dưỡng mới theo mùa, bắt kịp xu hướng phải được thường xuyên bổ sung, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Còn một số chuyên gia khác cho biết, cũng như nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác, thị trường chuỗi cửa hàng, quán cà phê tại Việt Nam đã cho thấy có sự ra đi của một số thương hiệu lớn được đầu tư mạnh và chiến lược rất bài bản, nhưng cũng có nhiều thương hiệu mới xây dựng thành công và dần trở nên được yêu thích. Điều này có thể thấy, tuy thị trường chuỗi cửa hàng, quán cà phê ở Việt Nam rất tiềm năng nhưng không hề dễ dàng, nên đơn vị kinh doanh muốn tham gia vào ngành hàng cà phê cần có chiến lược với những bước đi thật thận trọng.

Bài cuối: Nhượng quyền thương hiệu

Mỹ Phương (TTXVN)
Cà phê Việt vào chuỗi thương hiệu - Bài 1: Nâng tầm sản phẩm Việt
Cà phê Việt vào chuỗi thương hiệu - Bài 1: Nâng tầm sản phẩm Việt

Hiện nay, nhiều chuỗi cửa hàng, quán cà phê mang thương hiệu thuần Việt mọc lên như nấm, có sự tham gia ngày càng nhiều của các "ông lớn" với sự đầu tư bài bản, góp phần làm thăng hoa giá trị cho ngành hàng cà phê, cũng như bước tiến mới tại thị trường nội địa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN