Không biết bao giờ có hàng
Số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội đang liên tục tăng cao, khiến nhu cầu sử dụng nước muối sinh lý để súc họng, sát khuẩn gia tăng theo. Tuy nhiên, vài ngày nay, người tiêu dùng tìm “đỏ mắt” cũng không mua được mặt hàng này.
Chị Nguyễn Oai (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, ngày 28/2, chị đi tìm khắp gần 10 hiệu thuốc xung quanh khu vực gần nhà, nhưng không hiệu thuốc nào còn hàng. “Đến hiệu thuốc nào nhân viên cũng lắc đầu báo hết hàng. Khi tôi hỏi bao giờ có hàng về thì các hiệu thuốc đều nói chưa biết khi nào có và giới thiệu loại muối sinh lý dạng viên về tự pha dùng, dù không biết hiệu quả ra sao, nên tôi đành mua về dùng...”, chị Oai cho hay.
Tương tự, anh Xuân Tùng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, ngày 27/2, anh đi khắp các hiệu thuốc tại phố Phương Mai, nơi tập trung nhiều cửa hàng thuốc và vật tư y tế nhưng không nơi nào còn nước muối sinh lý. “Khi tôi về cửa hàng gần nhà có một hiệu thuốc còn đúng 1 chai, bình thường giá 4.000 đồng, nhưng chủ quán đã tăng lên với giá 7.000 đồng/chai”, anh Tùng chia sẻ. Anh Tùng cho biết thêm, ngày 1/3, vợ anh đi khắp nơi tìm hỏi mua, nhưng không hiệu thuốc còn.
Theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều hiệu thuốc tại các quận nội thành Hà Nội đã "cháy" mặt hàng này, việc nhập thêm nước muối sinh lý cũng khó khăn. Chị Vũ Nhung, chủ hiệu thuốc tại Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, khoảng 1 tuần nay, chị không thể nhập mặt hàng nước muối sinh lý vì đơn vị cung cấp đều báo hết hàng. “Tôi ký hợp đồng với 2 công ty nhập hàng, trong đó có nước muối sinh lý, nhưng suốt tuần qua gọi điện thì không công ty nào có hàng. Có một số đầu mối khác có hàng thì chào bán với giá 7.000 đồng/chai, mức giá này quá cao, như vậy tôi phải bán ra với giá gấp đôi ngày thường thì mới có lãi, nên tôi không nhập về nữa”, chị Nhung cho biết.
Chủ cửa hàng này cho biết thêm, do nước muối sinh lý dạng chai khan hiếm, nên hầu hết các nhà thuốc nhập nước muối sinh lý dạng viên và dạng bột về để bán. “Loại này cũng có khoảng 5-6 mẫu khác nhau, có dạng viên pha 500 ml và 100 ml, có dạng bột pha 500 ml. Trung bình giá mỗi viên/gói vào khoảng 3.500 đồng đến 5.000 đồng, tương đương với chai nước muối sinh lý”, chủ hiệu thuốc này cho hay.
Cùng với nước muối sinh lý, các loại viên ngậm như Strepsils, bổ phế Nam Hà dạng ngậm và dạng viên ở nhiều nơi cũng không còn hàng, nếu còn hàng cũng bán số lượng rất hạn chế, chỉ 1-2 hộp hoặc chai cho mỗi khách hàng.
Kít xét nghiệm nhanh giá mỗi nơi một kiểu
Kít xét nghiệm nhanh COVID-19 thời gian qua cũng là một trong những mặt hàng “cháy hàng” do nhu cầu tìm mua cao và giá cũng mỗi nơi một kiểu. Cùng một loại kít test nhanh COVID-19 có nguồn gốc Hàn Quốc tại hiệu thuốc ở Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) có giá 90.000 đồng/kít (trước đó 2 tuần, loại này có giá 70.000 đồng), còn một hiệu thuốc tại đường Tam Trinh (Hoàng Mai, Hà Nội) bán với giá 120.000 đồng/kít.
Anh Nguyễn Chung (Hoài Đức, Hà Nội), người chuyên bán các mặt hàng kít test, khẩu trang… cho biết, đầu mối bán hàng liên tục báo tăng giá theo từng ngày, từng giờ. Loại kít test của Đức cách đây 2 tuần có giá 70.000 đồng/kít thì nay giá nhập vào đã lên tới 80.000 – 90.000 đồng/kít. “Bây giờ tôi muốn nhập hàng cũng khó vì giá quá cao, nên ai đặt thì tôi nhập, nhưng thường mọi người cũng lấy số lượng ít vì quá tốn kém”, anh Chung cho hay.
Một số quầy thuốc tại quận Hai Bà Trưng khi hỏi thì hết hàng hoặc chỉ bán 1 loại kit xét nghiệm nhanh có xuất xứ từ Đức, mỗi bộ giá 80.000 đồng. Chủ hiệu thuốc này cho hay, nguồn cung hàng ít nên cũng chỉ bán số lượng ít, mỗi khách hàng chỉ được mua 2-3 bộ kít test COVID-19.
Hiện, trên các sàn thương mại điện tử, facebook, một số cửa hàng, người bán cũng đăng bán các loại kít test nhanh COVID-19 với nhiều loại và mức giá khác nhau. Cụ thể như trên Shopee, hộp 25 kít test nhãn hiệu Humasis có giá gần 2,4 triệu đồng, tương đương gần 100.000 đồng/kít hoặc combo 10 bộ kít test nhanh hãng của Mỹ có giá 1,5 triệu đồng, tương tương 150.000 đồng/kít…
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) các địa phương liên tiếp phát hiện và thu giữ hàng nghìn kit test COVID-19 và thuốc thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc.
Theo đại diện Tổng cục QLTT, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng dược phẩm, vật tư y tế của người dân sẽ tiếp tục tăng cao, rất nhiều đối tượng sẽ lợi dụng tình hình dịch bệnh để kinh doanh, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng…
Thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi, thường không có địa điểm kinh doanh cố định. Phương thức giao hàng, nhận hàng ở những nơi khuất dân cư, hoặc gọi giao hàng qua các ứng dụng công nghệ. Điều này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình nắm bắt, kiểm soát và phát hiện.
Do đó, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, mua hàng tại những nơi bán hàng uy tín, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tránh “tiền mất tật mang”.