Mùa báo cáo lợi nhuận quý II/2023 dự kiến bắt đầu từ ngày 14/7, với các báo cáo từ ba “đại gia” ngân hàng là JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo, tiếp theo là Bank of America và Goldman Sachs vào đầu tuần tới.
Các báo cáo từ những “gã khổng lồ” này cung cấp thông tin về người tiêu dùng Mỹ vì các hoạt động thẻ tín dụng và cho vay rộng rãi của các ngân hàng này gắn liền với các khoản vay mua nhà và xe hơi.
Sau đó, trọng tâm sẽ chuyển sang những ngân hàng khu vực khác như KeyCorp có trụ sở tại Cleveland, Comerica có trụ sở tại Dallas, PacWest BanCorp có trụ sở tại Los Angeles và Regions Financial của Alabama.
Những ngân hàng quy mô tầm trung này đã phải trải qua làn sóng lao dốc ở Phố Wall trong mùa Xuân trong bối cảnh có lo ngại rằng cuộc khủng hoảng giáng xuống Silicon Valley Bank, First Republic và Signature Bank sẽ cuốn theo những ngân hàng khác.
Các ngân hàng lớn nhất được dự đoán sẽ có sự thay đổi về lợi nhuận so với năm ngoái, với các nhà phân tích vẫn nhận thấy thị trường mua bán và sáp nhập ảm đạm làm giảm doanh thu ngân hàng đầu tư.
Tuy nhiên, triển vọng nhìn chung tồi tệ hơn so với những ngân hàng trung, mà đang phải đối mặt với việc giữ lại nguồn tiền gửi trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang thay đổi của Mỹ.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 10 lần liên tiếp kể từ đầu năm 2022 trong nỗ lực đối phó với lạm phát mà đã làm xáo trộn môi trường sau một thời gian dài duy trì mức lãi suất rất thấp.
Stuart Plesser, Giám đốc cấp cao của S&P Global Ratings, cho biết các ngân hàng đã phải trả tiền cho các khoản tiền gửi để giữ chúng.
Hồi tháng 5/2023, S&P đã chuyển triển vọng xếp hạng tín dụng sang "tiêu cực" đối với 9 ngân hàng khu vực, mặc dù chúng vẫn ở mức đầu tư.
Mặc dù các nhà phân tích dự đoán một số khoản tiền gửi bị rút ra trong khoảng thời gian này, song họ không dự đoán được sự sụt giảm đáng kể giống như hồi tháng 4/2023, khi ngân hàng thương mại First Republic Bank tiết lộ lượng tiền gửi giảm hơn 40%, dẫn đến cuộc đấu giá do chính phủ tổ chức một tuần sau đó.
Clifford Rossi, cựu Giám đốc quản lý rủi ro tại Citigroup kiêm giáo sư tại Đại học Maryland, cho biết sự thay đổi trong chính sách tiền tệ cũng đã tạo gánh nặng cho các ngân hàng với những khoản lỗ chưa thực hiện. Điều này phản ánh sự sụt giảm giá trị trong các tài sản dài hạn liên quan đến trái phiếu chính phủ do lãi suất tăng.
Các ngân hàng quy mô vừa cũng được coi là đang phải đối mặt với gánh nặng từ các quy định mới quan trọng có thể hạn chế hoạt động cho vay.
Ngày 10/7, Michael Barr, Phó Chủ tịch phụ trách giám sát của Fed, đã công bố một loạt biện pháp nhằm thắt chặt quy định và giám sát ngân hàng.
Các quy định này bao gồm việc áp dụng các yêu cầu về vốn cao hơn đối với các ngân hàng có tài sản ít nhất 100 tỷ USD, thay vì tiêu chuẩn hiện tại chỉ dành cho những ngân hàng có tài sản từ 700 tỷ USD trở lên.
Nhiều ngân hàng trong khu vực đã dự đoán thu nhập lãi ròng sẽ giảm do các khoản thanh toán cao hơn cần thiết để giữ lại tiền gửi.