Nhưng một loạt các số liệu kinh tế mạnh hơn dự đoán của Mỹ đã dần đẩy lùi các dự đoán về việc Fed hạ lãi suất. Trong bối cảnh việc làm tại Mỹ đang duy trì đà tăng tốt và lạm phát tăng, nhiều ý kiến cho rằng Fed giờ đây có thể sẽ giữ nguyên lãi suất đến năm 2025.
Điều này sẽ là một cú giáng lớn đối với châu Á, khu vực đặc biệt chịu ảnh hưởng bởi những thay đổi chính sách của Fed. Một câu hỏi đang đặt ra tại châu Á là khi nào Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) sẽ hạ lãi suất và hạ bao nhiêu. Nhưng câu trả lời lại phụ thuộc nhiều vào Fed, hơn là chính PBoC.
Việc duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn của Fed sẽ khiến các ngân hàng trung ương khác khó khăn hơn trong viêc hạ lãi suất mà không khiến cho đồng nội tệ suy yếu so với đồng USD.
Sự không chắc chăn về lộ trình lãi suất của Fed cũng là một điều phức tạp với các ngân hàng trung ương khác ở châu Á. Các kế hoạch trước đó đã sụp đổ trước những lo ngại rằng đồng tiền suy yếu có thể thúc đẩy các dòng vốn tháo chạy, gây áp lực lên chứng khoán trong nước và thúc đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ. Tuần trước, một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy giới đầu tư ngày càng tin rằng đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ giảm so với đồng USD.
Đồng ringgit của Malaysia đang có một năm 2024 đầy khó khăn khi đang giao dịch gần các mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Tháng trước, ngân hàng trung ương nước này đã giữ nguyên lãi suất để tránh gây áp lực hơn nữa cho đồng ringgit, dù có nhiều nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế. Tình cảnh tương tự cũng đang diễn ra tại Nhật Bản, khi đồng yen đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1990.