Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ khẳng định, ngành nông nghiệp rất hoan nghênh việc anh Nguyễn Hữu Khang tự tìm tòi, nghiên cứu giống cây trồng mới để nâng chất lượng, sản phẩm mới, tạo kinh tế tốt cho nông dân.
"Nếu có nhiều nông dân như anh Khang thì sẽ có thêm nhiều sản phẩm độc, lạ, chất lượng bán ra thị trường giúp nông dân cải thiện được điều kiện kinh tế", bà Hiếu nhấn mạnh.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu cho biết thêm, sau khi đi kiểm tra thực tế, ngành chức năng nhận thấy mô hình mít hương sầu riêng là giống có đặc tính mới. Bản thân anh Khang là nông dân nhưng có tính sáng tạo, tìm tòi, học hỏi nên mới cho ra được sản phẩm "độc, lạ". Đến thời điểm này, ngành chức năng chưa đưa ra được đánh giá về năng suất, chất lượng của giống mít hương sầu riêng vì khi đoàn đến thì cây mít đã hết thời gian cho quả nhưng hiện tại cây sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương.
Tuy nhiên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ cũng khuyến cáo đối với giống cây ăn trái để có thể đánh giá được quá trình phát sinh, phát triển, năng suất, chất lượng sản phẩm cần phải theo dõi trong thời gian ít nhất 3 năm kể từ khi cây cho trái. Từ đó, người lai tạo giống mới có cơ sở thực tiễn đưa ra khuyến cáo nhân rộng loại cây trồng mới này.
Vì thế, anh Khang không nên vội nhân giống số lượng lớn ở giai đoạn này mà cần đánh giá kỹ các đặc tính trước khi nhân giống. Đại diện ngành nông nghiệp Cần Thơ đã trao đổi và hướng dẫn cho anh Nguyễn Hữu Khang ghi chép thông tin, số liệu về quá trình sinh trưởng, dịch bệnh, chất lượng, năng suất quả,…làm cơ sở để có số liệu chính thống đăng ký cây đầu dòng đáp ứng yêu cầu nhân giống mở rộng vùng trồng cho sản phẩm.
“Năng suất là điều rất quan trọng. Nếu cây trồng cho trái đạt chất lượng, có thể bán được nhưng nếu năng suất thấp thì sẽ không đủ bù lại đầu tư. Vì vậy, cần đánh giá năng suất với thời gian ít nhất 3 năm để có cơ sở dữ liệu về tính ổn định của giống mít hương sầu riêng”, bà Hiếu khuyến nghị.
Ngành nông nghiệp Cần Thơ cũng đã có chỉ đạo cán bộ phường cùng anh Khang theo dõi giống mít hương sầu riêng để sau này có cơ sở hướng dẫn anh Khang đăng ký cây đầu dòng làm giống đúng theo quy định.
Đối với nông dân có nhu cầu trồng giống cây mới, bà Phạm Thị Minh Hiếu khuyến cáo nông dân cần tìm hiểu thông tin, cân nhắc, xem xét, theo dõi chất lượng một giống cây trồng mới, độc, lạ ít nhất 3 năm trước khi mua về trồng ở quy mô rộng, lớn. Bởi lẽ, một số giống cây trồng mới xuất hiện trên thị trường thì sản phẩm sẽ có giá bán cao nhưng vài năm sau, sản phẩm xuất hiện nhiều trên thị trường thì giá sẽ không còn cao. Ví dụ như vú sữa Hoàng Kim, trước đây giá rất cao nhưng hiện giá không còn “sốt” như lúc mới xuất hiện ngoài thị trường. Vì vậy, nông dân nếu muốn trồng loại cây nào để có hiệu quả kinh tế thì nên cân nhắc sản phẩm có nhiều thị trường tiêu thụ, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Trước đó, Thông tấn xã Việt Nam cũng đã có bài viết thông tin về giống mít hương sầu riêng. Giống mít mang hương vị sầu riêng (mít sầu riêng) là giống ngoại nhập được ghép với mít Việt Nam và được anh Nguyễn Hữu Khang lai tạo và trồng thành công tại cù Lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt.
Nhìn bên ngoài, giống mít hương sầu riêng có hình dáng giống mít tố nữ, nhưng lại mang hương vị đặc trưng của sầu riêng. Lá mít sầu riêng khá mỏng, dài, tán lá to, trên các nhánh cây có lớp lông bao phủ, thân cây lùn thấp. Khi chín, gai của mít sầu riêng không nhọn như các giống mít khác mà dẹp, mắt gai to và thưa.
Anh Nguyễn Hữu Khang, chủ nhân giống mít này cho biết, mít sầu riêng trồng khoảng 18 tháng cây sẽ bắt đầu cho trái. Sau thời gian trồng thử nghiệm, anh Khang đánh giá giống mít này dễ trồng, phù hợp với điều kiện và thổ nhưỡng của địa phương.
Từ những nhánh mít ban đầu đưa về, hiện anh Khang đã lai tạo thành công 3 loại mít sầu riêng có ruột khác nhau là mít sầu riêng ruột hồng, kem và vàng. Mỗi loại sẽ có một hương vị đặc trưng khác nhau; trong đó, mít sầu riêng ruột vàng được đánh giá là vượt trội, có thịt dày, hột nhỏ, đặc biệt là các múi mít rất giống với cơm của trái sầu riêng.