Để phát triển bền vững cây cà phê vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng thì việc tái canh cây cà phê được địa phương này ưu tiên triển khai. Bên lề kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII, phóng viên báo Tin Tức đã trao đổi với ông Vũ Công Tiến
(ảnh), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng xoay quanh chủ đề này.
Thưa ông, việc tái canh cây cà phê được Lâm Đồng triển khai ra sao?
Việc tái canh cây cà phê là việc làm cần thiết nhằm phát triển ngành nông nghiệp ở Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Để đạt hiệu quả tốt, Lâm Đồng đang tiến hành theo các bước đúng qui định.
Thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có nghị quyết để chỉ đạo thực hiện việc tái canh cây cà phê đến từng cấp ủy, chính quyền địa phương. Thứ hai, Lâm Đồng xây dựng đề án tái canh cây cà phê từ tỉnh đến huyện, trong đó có tính đến quy mô, lộ trình từng bước để đạt hiệu quả cao nhất. Trên cơ sở cấp ủy các cấp đã có nghị quyết, đề án và lộ trình đó, Lâm Đồng tổ chức làm thử ở một số địa phương để người dân học hỏi kinh nghiệm. Qua theo dõi, chúng tôi đánh giá một số huyện làm tốt như Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà… Từ làm thử, việc tái canh được nhân rộng ra toàn tỉnh.
Để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm cà phê xuất khẩu, các doanh nghiệp phải được đầu tư đáng kể về cơ sở hạ tầng, phục vụ sơ chế và sản xuất. Ảnh: Quang Huy |
Để nhân rộng ra các địa phương, Lâm Đồng đã quán triệt đến các hộ dân trồng cà phê nhận thức đúng vấn đề để tham gia thực hiện tích cực. Chính việc này đã phát huy sức mạnh của các hộ dân trồng cà phê thực hiện lộ trình có hiệu quả. Tôi cho rằng ý thức của người dân tự tham gia, tự nghiên cứu và qua trao đổi cung ứng kỹ thuật, ngành cà phê của tỉnh đã làm tốt các yêu cầu này.
Vậy kết quả đạt được đến đâu, thưa ông?
Đến thời điểm này, có thể thấy việc tái canh cây cà phê trên địa bàn Lâm Đồng mang lại tín hiệu tốt. Hiện toàn tỉnh có 147.810 ha đất trồng cà phê, đạt gần 50% diện tích gieo trồng, sau khi làm thí điểm ở một số nơi, nay làm đại trà đạt hiệu quả tích cực.
Mặc dù ban đầu các địa phương chưa hiểu hết được sự hữu ích trong việc cấy ghép, nhưng nay nhận thức của người dân đã thay đổi. Tuổi thọ của cây cà phê tốt, năng suất cao, có nơi năng suất gấp 2-3 lần so với trước khi tái canh. Nguyên nhân là nhiều diện tích cây cà phê trên địa bàn tỉnh đã già cỗi, cần phải thay đổi, tái canh. Có nhận thức đúng, đồng bào hết sức ủng hộ, người trồng cà phê hưởng ứng rất tích cực trong việc tái canh cây cà phê tạo năng suất, chất lượng tốt góp phần nâng cao thu nhập của người dân từ chính những diện tích cây cà phê hiện có của họ.
Trong quá trình thực hiện việc tái canh cây cà phê, Lâm Đồng chú trọng cả hai vấn đề: Một là tìm những giống cà phê chất lượng cao về trồng thay thế diện tích cà phê già cỗi. Thứ hai là chọn những giống tốt đem về cấy ghép, việc cấy ghép đã cho hiệu quả tích cực. Đây là chủ trương đúng đắn mà Lâm Đồng tiếp tục làm trong thời gian tới. Tỉnh cũng đã tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm để hướng dẫn các huyện, địa phương tiếp tục tái canh cây cà phê bằng phương pháp cấy ghép.
Trong quá trình thực hiện việc tái canh cây cà phê, người dân có được vay vốn ưu đãi không, thưa ông?
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có những quan tâm đối với Lâm Đồng, cho người dân trồng cà phê vay vốn với lãi suất ưu đãi. Song, theo tôi cần đổi mới cách làm, khắc phục những thủ tục rườm rà để bà con vay vốn nhanh và thuận lợi nhất. Ví dụ như thực hiện việc thế chấp, xác định hồ sơ để bà con vay nhanh nhưng phải quản lý đúng mục đích là hết sức quan trọng. Tiến độ thực hiện, qua báo cáo của ngân hàng, nói chung là đạt yêu cầu đề ra. Chúng tôi tiếp tục rút kinh nghiệm, có hướng chỉ đạo để thực hiện nội dung này hiệu quả hơn. Khi đã có nguồn vốn, việc đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, kỹ thuật cấy ghép giống như thế nào để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng cà phê phát triển bền vững là điều Lâm Đồng đặc biệt quan tâm.
Xin cảm ơn ông!
Viết Tôn (thực hiện)