Tại tọa đàm “Giải pháp khơi thông thị trường vốn” được tổ chức ngày 17/3, tại Hà Nội, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, khó khăn về vốn, dòng tiền và thanh khoản đang là thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp.
Lấy lại niềm tin của nhà đầu tư
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc lấy lại niềm tin của nhà đầu tư không thể một sớm một chiều.
Theo ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, cốt lõi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là niềm tin. Muốn lấy lại niềm tin, ngoài sự minh bạch, thị trường vĩ mô ổn định thì phải bảo vệ được lợi ích của các nhà đầu tư. Một trong các giải pháp bảo vệ nhà đầu tư mà chúng ta đang “quên”, theo TS. Tú Anh, đó là vai trò của bảo hiểm.
“Nếu có bảo hiểm đầu tư tham gia (công ty bảo hiểm) thì nhà đầu tư sẽ mạnh dạn xuống tiền. Bảo hiểm là không bắt buộc nhưng giúp thị trường có thêm lựa chọn”, ông Tú Anh cho hay.
Còn theo chuyên gia Cấn Văn Lực, cần quyết liệt xử lý nhanh chóng, dứt điểm, nghiêm minh những vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát việc đại chúng hóa ở thị trường thứ cấp. Qua đó, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.
Trong một thị trường dựa nhiều vào niềm tin như vậy, cần có cơ chế khuyến khích các tổ chức tư vấn độc lập, đạo đức, trách nhiệm cao về đầu tư trái phiếu; nâng cao chất lượng dòng tiền của tổ chức phát hành.
Bên cạnh đó, cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích phát hành trái phiếu ra công chúng
“Đây vẫn là kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp, đặc biệt là cho những doanh nghiệp bất động sản cần vốn để đảo nợ, khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang được kiểm soát chặt chẽ và dòng vốn tín dụng không dồi dào”, ông Lực cho hay.
Tuy nhiên, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, việc bảo hiểm cho trái phiếu thì phải cân nhắc tính khả thi, phụ thuộc rất lớn vào chất lượng kinh doanh của tổ chức phát hành.
Khơi thông dòng vốn dài hạn
Để thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển lành mạnh, góp phần khơi thông dòng vốn dài hạn cho các doanh nghiệp niêm yết, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, cần đa dạng hóa các sản phẩm thị trường chứng khoán, đẩy mạnh IPO các doanh nghiệp nhà nước trong khối dầu khí, viễn thông, điện… đa dạng hóa và nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, bên cạnh thị trường trái phiếu, cần cải tổ, thanh lọc mạnh mẽ thị trường tín dụng. Muốn khơi thông nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác thì hệ thống ngân hàng phải được cải tổ một cách toàn diện và thực chất. Nếu chúng ta đi tìm những giải pháp để khơi thông nguồn vốn mà hệ thống tuần hoàn các nguồn vốn đó chính là ngân hàng và hệ thống ngân hàng chưa hoạt động một cách hiệu quả thì việc khơi thông nguồn vốn chỉ mang tính ngắn hạn và giải quyết tình thế.
Về triển vọng thị trường chứng khoán, bà Tạ Thanh Bình nhận định, mặc dù, còn nhiều khó khăn, song nền kinh tế nói chung và thị trường cổ phiếu nói riêng vẫn duy trì tiềm năng tăng trưởng trung, dài hạn.
Theo đó, các yếu tố hỗ trợ thị trường trong thời gian tới là lạm phát có xu hướng giảm, dẫn tới lộ trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới có xu hướng chậm lại. Trung Quốc dần nới lỏng chính sách Zero-COVID, mở cửa lại từ đầu năm 2023.
Dịch bệnh, các yếu tố nền tảng vĩ mô và cân đối lớn trong nước cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát. Đây là những yếu tố hỗ trợ quan trọng cho quá trình khơi thông thị trường vốn đang diễn ra.
Ngoài ra, để phát triển toàn diện thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ngoài việc nâng cao chất lượng, tính minh bạch đối với trái phiếu riêng lẻ, các chuyên gia cũng đề nghị Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán có giải pháp khuyến khích, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp niêm yết phát triển song song.
Theo đó, cần đẩy nhanh quy trình phê duyệt cho các doanh nghiệp niêm yết trái phiếu, khuyến khích cơ quan quản lý rút ngắn thời gian phê duyệt hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp niêm yết. Từ đó tiếp cận được với đại đa số nhà đầu tư để huy động nguồn vốn cũng như đa dạng hóa danh mục trái phiếu doanh nghiệp niêm yết có chất lượng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương kiến nghị, nên khuyến khích các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá tín nhiệm cho toàn bộ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Hiện tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho đến hết năm 2023. Đây cũng là khoảng thời gian cần thiết để giúp các doanh nghiệp có thể lên lộ trình cụ thể vào việc tham gia xếp hạng tín nhiệm.
Tuy nhiên, Chính phủ cần phải xác định rõ đây là một nhiệm vụ cấp bách để giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư với thị trường, làm minh bạch hóa thị trường, giúp nâng hạng thị trường vốn Việt Nam.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng nên tích cực, tăng cường quảng bá các sản phẩm trái phiếu niêm yết, giới thiệu những lợi ích của trái phiếu niêm yết, để tăng thêm sự thu hút của nhà đầu tư và chú trọng tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế, các nước phát triển trên thế giới nhằm học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam.