Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hệ thống 34 cảng biển của Việt Nam có 30 cảng đã tiếp nhận tàu có trọng tải lớn. Trong 30 cảng này có 13 cảng có bến cảng được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương cho phép tàu có trọng tải lớn vào, rời bến cảng. Ngoài ra, có 59 bến cảng đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương kiểm định, cải tạo nâng cấp kết cấu cầu cảng để tiếp nhận tàu có trọng tải lớn.
Việt Nam hiện có 3 cảng nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới, gồm TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Cái Mép - Thị Vải. Đối với cảng Cái Mép - Thị Vải, Bộ Giao thông vận tải cũng vừa thống nhất chủ trương cho phép tiếp nhận tàu container có trọng tải đến đến 214.121 DWT giảm tải.
Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười đánh giá: Việc tiếp nhận tàu có trọng tải lớn vào làm hàng tại các khu vực cảng biển đã góp phần tăng hiệu quả khai thác cho các hãng tàu. Đồng thời, giảm chi phí vận tải, tăng tính cạnh tranh cho cảng biển Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và khu vực.
Thống kê 5 năm qua, số lượng tàu có trọng tải lớn hơn thiết kế tại các khu vực có bến cảng được chấp thuận tăng trưởng rõ rệt, từ 4.5 lượt vào năm 2019 đã tăng lên 5.474 lượt vào năm 2023. Đồng thời phí bảo đảm hàng hải, phí trọng tải tại các cảng vụ hàng hải có tiếp nhận tàu trọng tải lớn cũng tăng từ 2.779 tỷ đồng năm 2019 lên 3.450 tỷ đồng năm 2023.
Riêng về khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển, cập nhật số liệu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 427,645 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ; trong đó, hàng container ước đạt 14,399 triệu TEU, tăng 22% so với cùng kỳ.
Trước xu thế sử dụng tàu trọng tải lớn của ngành hàng hải thế giới, cũng với nhu cầu xuất nhập khẩu vận tải hàng hoá bằng đường biển của Việt Nam, điều này đòi hỏi sự chuẩn bị sớm về hạ tầng cơ sở, phương án đón tàu để đáp ứng nhu cầu sử dụng tàu trọng tải lớn.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam Phạm Quốc Long cho hay, để đón được tàu lớn vào cảng phải đáp ứng nhiều điều kiện như thủy triều, điều kiện sóng, góc cập cầu, công suất tàu lai...
Thời gian qua, thế giới đã xảy ra nhiều sự cố hy hữu khi tàu cập cảng. Nhằm hạn chế rủi ro, ngoài hạ tầng cảng và luồng lạch phải đáp ứng, điều quan trọng nhất vẫn là sự phối hợp của các đơn vị từ cơ quan chức năng, doanh nghiệp cảng, hoa tiêu, chủ tàu... để tàu vào đảm bảo an toàn.
So với các phương thức vận tải, vận tải bằng đường có chi phí thấp, có khả năng chuyên chở hàng hoá với khối lượng lớn, siêu trường, siêu trọng, đi các tuyến đường xa.
Về phía Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Giám đốc Lê Văn Thức cho hay, việc đón tàu trọng tải lớn thường trực nguy cơ tàu bị mắc cạn, trôi dạt, đâm va... Trong khi đó, việc nghiên cứu xây dựng phương án bảo đảm an toàn hàng hải và tổ chức đưa tàu trọng tải lớn vào, rời cảng hiện chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng.
Đại diện Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho rằng, cần có tổng kết, đánh giá và trên cơ sở đó tổ chức xây dựng thông tư, tiêu chuẩn kỹ thuật làm cơ sở tổ chức đón tàu trọng tải lớn.
Theo Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, hiện trong các quy hoạch chuyên ngành đã quy hoạch các cảng biển lớn để đón tàu lớn. Tới đây, ngành hàng hải sẽ xem xét việc các cảng cũ muốn đón tàu lớn, đánh giá mức độ an toàn và có những khống chế nhất định.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng đang đề xuất xây dựng Đề án nghiên cứu tổng thể việc khai thác tàu có trọng tải lớn ra, vào cảng biển Việt Nam, để có nghiên cứu, đánh giá tổng thể, chuyên sâu về công tác kiểm định, đánh giá kết cấu hạ tầng cảng biển từng khu vực.
Trên cơ sở đó, thống nhất quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện để các bến cảng, cầu cảng có thể tận dụng kết cấu hạ tầng hiện hữu để tiếp nhận tàu biển có trọng tải lớn đảm bảo an toàn và phù hợp quy định pháp luật.
“Việc phát triển mạnh vận tải hàng hải và đường thủy không chỉ giúp giảm chi phí logistics mà còn rất đúng định hướng phát triển xanh theo mục tiêu của Chính phủ, khẳng định cam kết của Việt Nam tại COP26”, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang khẳng định.
Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới đây, hệ thống cảng biển đảm bảo thông qua lượng hàng hóa từ 1.249 đến 1.494 triệu tấn; trong đó, hàng container từ 46,3 đến 54,3 triệu TEU, chưa bao gồm hàng trung chuyển quốc tế; hành khách từ 17,4 đến 18,8 triệu lượt.
Về kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), xây dựng khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh). Trong nhóm 15 cảng biển loại 1, các cảng biển Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.