Cụ thể, sau hơn 1 tuần nạo vét, luồng chính vào cảng cá đã được khơi thông, các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá và tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân đã vào cập cảng an toàn.
Hiện đơn vị thi công tiếp tục nạo vét để nâng độ sâu của luồng cảng, đồng thời mở rộng và nắn lại dòng chảy nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền ra vào an toàn, bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý chủ trương nạo vét khẩn cấp, khơi thông luồng lạch tại cảng cá Cửa Tùng bằng hình thức xã hội hóa trước mùa mưa bão năm nay.
Theo đó, UBND huyện Vĩnh Linh đã giao Công ty Ngọc Tuấn tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh sẽ tiến hành nạo vét, khơi thông luồng lạch chính ra vào cảng Cửa Tùng trong thời gian 17 ngày, với khối lượng nạo vét dự kiến khoảng 15.000m3 đất cát. Từ đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền của ngư dân cập cảng, giao thương buôn bán và tàu thuyền ra vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng an toàn.
Cảng cá Cửa Tùng thuộc Ban quản lý Cảng cá Quảng Trị là cảng cá loại II, độ sâu luồng hơn 3,1m và chiều rộng vào luồng là 60m. Đây là một trong hai cảng cá của Quảng Trị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố chỉ định để giám sát sản lượng của tàu cá và kiểm soát tàu cá nhằm tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu.
Tuy nhiên, sau thời gian đưa vào khai thác sử dụng, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như dòng chảy, bão lũ… luồng vào cảng cá Cửa Tùng và khu neo đậu tránh trú bão bị bồi lấp nghiêm trọng, biến dạng. Chiều rộng luồng cảng có đoạn chỉ còn 15 - 16m, chiều sâu có đoạn chỉ 0,5 m dẫn đến nhiều vụ tại nạn đã xảy ra, nhiều tàu thuyền bị mắc cạn, làm thiệt hại lớn tài sản của ngư dân.
Tàu cá có công suất từ 90 - 1.000 CV đánh bắt xa bờ phải neo đậu ngoài cửa biển rồi thuê tàu thuyền công suất dưới 45 CV để trung chuyển hàng hóa vào ra cảng. Lực lượng chức năng khó kiểm soát được sản lượng, nguồn gốc hải sản khai thác, nhật ký khai thác theo quy định thực hiện IUU, ảnh hưởng đến phòng chống IUU, trong khi ngư dân tốn thêm công sức và chi phí lớn.