Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chương, Phó giám đốc Công ty cổ phần cảng Chân Mây (cảng Chân Mây) cho hay, với 225m cầu cảng của bến số 2 hiện tại có khả năng làm hàng được tàu chở container 5 vạn tấn đầy tải. Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tổng sản lượng hàng hóa qua cảng đã đạt được xấp xỉ 3,2 triệu tấn. Việc bến số 2 được phục vụ hàng container sẽ là cơ sở để ban lãnh đạo cảng mạnh dạn đặt chỉ tiêu gần 3,9 triệu tấn trong năm 2022.
"Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đang xem xét phê duyệt việc nâng cấp bến số 1-cảng Chân Mây có thể tiếp nhận được tàu 7 vạn tấn giảm tải. Hiện nay, bến này đang tiếp nhận được tàu 5 vạn tấn đầy tải. Bến số 1 với 360 m cầu cảng hiện hữu nếu được nâng cấp một số hạ tầng kèm theo sẽ là lợi thế không nhỏ cho cảng trong việc cạnh tranh với các cảng trong khu vực và phù hợp với các đội tàu Handymax (tàu chở hàng rời) tại khu vực châu Á, giảm được chi phí thuê tàu tính trên mỗi tấn hàng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cảng", ông Nguyễn Văn Chương chia sẻ.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, từ nay đến năm 2025 sẽ có nhiều dự án lớn trong tỉnh đi vào hoạt động như: Nhà máy sản xuất găng tay y tế 10 tỷ chiếc/năm, sợi 800 tấn/năm; 2 dự án sản xuất ô tô với công suất khoảng 220.000 xe/năm, dự án Nhà máy sản xuất đồ chơi Billion Max với công suất 20 triệu sản phẩm/năm...dự kiến nhu cầu xuất hàng qua các cảng thuộc khu vực cảng Chân Mây là rất lớn.
"Điều này là cơ sở để lãnh đạo cảng Chân Mây đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 cảng Chân Mây sẽ đạt sản lượng khoảng gần 5 triệu tấn hàng; trong đó có 200.000 Tues", ông Chương chia sẻ
Về tình hình sản xuất 3 tháng đầu năm 2022, ông Nguyễn Văn Chương thông tin, mặc dù ảnh hưởng của việc nghỉ Tết và tình hình dịch bệnh nhưng quý I/2022 cảng đã đạt được sản lượng 900.000 tấn đáp ứng chỉ tiêu đề ra. Hàng hóa thông qua cảng hiện nay chủ yếu vẫn là hàng rời như: Clinker, đá vôi, dăm gỗ… hàng nhập về chủ yếu than đá…
Về sản lượng hành khách, ông Nguyễn Văn Chương cho hay, trước khi COVID-19 xuất hiện, sản lượng hành khách qua cảng luôn tăng trưởng cao. Tuy nhiên, hai năm sản lượng hành khách quốc tế qua cảng hầu như không có. Cảng đang dự tính trong quý IV tới sẽ đón tàu khách quốc tế qua cảng.
Ông Đinh Đăng Quang, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Thừa Thiên Huế nhận định, cảng Chân Mây nằm ở vị trí trung tâm trên dải đất miền trung, giữa hai đô thị lớn là Huế và Đà Nẵng. Đến Chân Mây, du khách có thể dễ dàng lựa chọn những tour du lịch di sản như Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, quần thể di tích cố đô Huế, bãi biển Lăng Cô…Cùng với lợi thế về độ sâu khu nước, không bị bồi lấp…cảng Chân Mây hội tủ điều kiện và tiềm năng để trở thành cảng du lịch chuyên dụng kết hợp với cảng tổng hợp hàng hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và các tỉnh lân cận nói riêng.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có của mình, cảng Chân Mây đã và đang cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa đón hàng hóa, vừa đón khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, để cảng Chân Mây thực sự trở thành điểm dừng chân cho các du thuyền ở Đông Nam Á là vấn đề đặt ra cho chính cảng Chân Mây cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước.
Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam nhìn nhận, trên thực tế, cảng Chân Mây vẫn còn tồn tại rất nhiều những hạn chế về cơ sở hạ tầng. Điều này xuất phát từ việc cảng Chân Mây là cảng tổng hợp, vừa làm nhiệm vụ đón các tàu hàng hóa, cùng tàu du lịch. Cụ thể, hiện nay tại cảng Chân Mây chưa có vị trí để đón khách du lịch riêng biệt mà phải dùng chung lối đi với tàu hàng hoá; chưa có một nhà ga hành khách với quy mô lớn và hiện đại; khu trưng bày, bán các sản phẩm, hàng hóa còn khiêm tốn, trong khi các mặt hàng lại khá đơn sơ…
Bên cạnh những bất cập về cơ sở hạ tầng trên thì hiện tại, các tour du lịch để kết nối khách từ Chân Mây đi các điểm còn chưa thực sự đa dạng; chưa tạo nên được những sản phẩm du lịch ấn tượng, độc đáo lôi kéo và thu hút du khách quay trở lại ở những lần sau hay chi tiêu nhiều hơn…
Cũng theo Giám đốc Cảng vụ Thừa Thiên Huế Đinh Đăng Quang, năm 2022, dự báo sản lượng cảng biển khu vực Thừa Thiên Huế tăng trưởng từ 5-7% đạt trên 5 triệu tấn hàng hóa và phấn đấu đến năm 2025 sản lượng hàng hóa khu vực này khoảng 10 triệu tấn. Để duy trì mức tăng trưởng này, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm đầu tư hạ tầng cho hai luồng hàng hải là Thuận An và Chân Mây. Theo đó, đầu tư nạo vét luồng Chân Mây từ âm 10,6 m hiện tại xuống âm 11,5m để các cảng biển; trong đó có cảng Chân Mây có thể tiếp đón được tàu 7 vạn tấn giảm tải.
Về phía cảng Chân Mây, chia sẻ về giải pháp nâng cao dịch vụ tại cảng, lãnh đạo cảng Chân Mây cho hay, riêng lĩnh vực phục vụ tàu khách thì nhiều năm qua, cảng Chân Mây đã thực hiện thành công việc đăng ký lịch tàu bằng hình thức trực tuyến, vì thế, tại đây chưa từng xảy ra việc hủy tuyến đối với các tàu đã đăng ký lịch và được xác nhận. Trong quá trình khai thác tàu khách, cảng điều động tàu hàng rời cầu trước đó 6 tiếng trước khi tàu khách cập cảng, nhờ đó, mọi công tác chuẩn bị về vệ sinh, an ninh được đảm bảo đầy đủ và kịp thời…
Cũng theo ban lãnh đạo cảng Chân Mây, thời gian tới, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, để thu hút các tàu du lịch lớn, tàu hạng sang trên thế giới đòi hỏi cần có sự chung tay trong việc hoàn thiện các thể chế để phù hợp với xu thế hội nhập, kêu gọi đầu tư về cơ sở hạ tầng, dịch vụ…
Cụ thể là đầu tư đồng bộ khu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí; khu mua sắm, khu ẩm thực với nhiều sản phẩm đặc trưng đa dạng… xây dựng các sản phẩm du lịch (tour, tuyến) hấp dẫn, phong phú đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Bên cạnh đó, ưu tiên, bố trí nguồn kinh phí trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại tại các thị trường du lịch tàu biển lớn trên thế giới.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định cần phát huy tiềm năng, vị trí chiến lược của cảng nước sâu Chân Mây. Bởi, khu bến Chân Mây là một khu chức năng quan trọng trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, là khu bến chính của cảng biển Thừa Thiên Huế. Cảng nước sâu Chân Mây ở đây có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội địa phương hiện tại và tương lai.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, cảng biển Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược rất quan trọng không chỉ với riêng tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ; trong đó có cảng Chân Mây là cảng đầu tiên tiếp nhận tàu quốc khách quốc tế có trọng tải lớn.
Vì vậy, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng với định hướng cảng Chân Mây là cảng tổng hợp, container, cỡ tàu quy hoạch và các tàu lớn hơn phù hợp với cơ cấu hạ tầng cầu cảng hiện hữu nhằm đáp ứng nhu phát triển của của địa phương, vùng trong thời gian tới.