Căng thẳng nguồn cung điện cho miền Nam

Hệ thống điện quốc gia có công suất dự phòng khoảng 30% nhưng với đặc thù mất cân đối nguồn theo vùng miền, tình trạng thiếu điện, cắt điện điều tiết sản lượng tại nhiều tỉnh thành vẫn có thể xảy ra khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao đột biến trong mùa khô 2014. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi xung quanh vấn đề này.

 

Công nhân Công ty Sông Đà 11 kéo dây vượt đường đoạn qua huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước phục vụ thi công dự án đường dây 500 kV Plâycu - Mỹ Phước - Cầu Bông. Ảnh: Ngọc Hà- TTXVN

´Dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy nhu cầu tiêu thụ điện trên toàn hệ thống trong quý II có thể lên tới 21.000 -22.000 MW. Vậy đây có phải là thách thức cho việc đảm bảo cung ứng điện trong những tháng cao điểm mùa khô không, thưa ông?


Theo tôi, nhu cầu phụ tải lên tới 21.000 - 22.000 MW chưa phải là con số đáng lo ngại bởi tổng công suất của toàn hệ thống bây giờ đã đạt tới 34.000 MW rồi. Tuy nhiên, trong mùa khô 2014 này, điều căng thẳng nhất vẫn là đảm bảo điện cho các tỉnh thành phía Nam.


Lý do là điện cho miền Nam vẫn phụ thuộc vào việc truyền tải điện từ miền Bắc và miền Trung vào để bổ sung công suất nguồn điện do các nguồn điện tại chỗ không thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện. Trong khi đó, với chiều dài hơn 1.500 km, việc truyền tải công suất và sản lượng lớn từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam luôn tiềm ẩn rủi ro nếu một trong hai đường dây 500 kV Bắc - Nam bị sự cố. Ngoài ra, trong khoảng 15.000 MW công suất nguồn điện tại chỗ ở miền Nam, nhiệt điện khí đã chiếm tới 10.000 MW nhưng việc cung cấp nguồn khí cho các các nhà máy này phát điện vẫn hạn chế cho nên vẫn có tới 8.000 MW công suất nguồn nhiệt điện chạy trong tình trạng thiếu khí. Vì vậy, nếu EVN không chấp nhận lỗ, cứ trông chờ vào nguồn khí thay vì đổ dầu phát điện thì miền Nam sẽ xảy ra thiếu điện.

 

´Thực tế cho thấy, những năm gần đây có những sự cố từ hệ thống truyền tải điện của hai đường dây 500 kV Bắc - Nam gây mất điện trên diện rộng ở khu vực phía Nam. Nhiều ý kiến lo ngại, còn nguy cơ xảy ra sự cố trên hai đường đường dây này trong mùa khô 2014 khi hệ thống buộc phải truyền tải điện với công suất và sản lượng lớn. Nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?


Hiện nay, hai mạch đường dây 500 kV Bắc - Nam đang vận hành rất tốt, duy nhất sự cố tháng 5/2013 ở Tân Định đã gây ra chập mạch và nhảy máy ngắt. Sự cố này đã khiến Công ty truyền tải điện quốc gia mất nhiều giờ để khắc phục, chủ yếu mất điện diễn ra ở khu vực Tân Định vào Sài Gòn, còn khu vực miền Bắc và miền Trung không bị ảnh hưởng. Do đó, nếu cho rằng sự cố của hai đường dây 500 kV khiến mất điện trên diện rộng nhiều lần là không chính xác bởi khi có sự cố ở hai đường dây 500 kV thì còn đường dây 220 kV, 110 kV, 22 kV. Theo tôi, việc mất điện có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả chuyện EVN buộc phải cắt điện cung ứng cho một số phụ tải vào giờ cao điểm khi nguồn điện hệ thống căng thẳng.


Theo đánh giá của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, EVN đầu tư lớn nên đã có hệ thống truyền tải và hệ thống phân phối tốt. Do đó, tình trạng mất điện diện rộng và thời gian dài như trước đây sẽ gần như chấm dứt.

 

´Dự án đường dây 500 kV Plâycu - Mỹ Phước - Cầu Bông và trạm biến áp đồng bộ được kỳ vọng là giải pháp hỗ trợ hiệu quả nguồn điện cho khu vực phía Nam trong mùa khô 2014. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án vẫn đang gặp những khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng nên chưa thể vận hành. Vậy theo ông, sự chậm chễ này sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc cung ứng điện cho khu vực phía Nam?


Đến đầu tháng 4, dự án vẫn còn khoảng vài chục km chưa được giải phóng mặt bằng nhưng đến thời điểm này, chỉ còn khoảng 10 km. Hiện tất cả lãnh đạo của EVN đều đang có mặt tại những điểm nóng này để phối hợp với lãnh đạo các tỉnh thành có đường dây đi qua giải quyết triệt để các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Hệ thống truyền tải 500 kV Plâycu - Mỹ Phước - Cầu Bông khi được đóng điện sẽ truyền tải khoảng 2.000 MW công suất điện cho miền Nam phục vu nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong các tháng nắng nóng cao điểm 5, 6, 7.

 

´Để chấm dứt tình trạng thiếu điện không chỉ cho những tháng mùa khô mà còn cải thiện tình hình mất cân đối cung cầu điện giữa các vùng, theo ông việc đầu tư các dự án điện tại chỗ, đồng thời nâng cao năng lực truyền tải có phải là giải pháp quan trọng?


Đây là giải pháp mang tính chiến lược lâu dài bởi theo Tổng sơ đồ điện 7 giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, chúng ta phấn đấu đến năm 2020 đạt 75.000 MW, tăng hơn gấp đôi so với hiện nay. Thực hiện chiến lược này, các tập đoàn năng lượng như EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang tập trung đầu tư xây dựng một loạt các nhà máy nhiệt điện chạy than dọc duyên hải từ miền Bắc vào miền Nam. Ngoài ra, dự án nhà máy điện nguyên tử ở Ninh Thuận cũng đang được triển khai. Điều này có nghĩa là trong tương lai, phụ tải được cấp tại chỗ hoặc cấp trong khu vực; liên kết lưới điện, liên kết hệ thống các nhà máy sẽ tạo ra mạch vòng và khi có một sự cố xảy ra tại một nhà máy thì sẽ có nhà máy khác hỗ trợ. Khi đó, hệ thống điện quốc gia có thể là hoàn chỉnh và tình trạng thiếu điện, mất điện sẽ không xảy ra.


Tuy nhiên, tổng mức đầu tư cho Tổng sơ đồ điện 7 là rất lớn, riêng các nhà máy nhiệt điện chạy than cần tới 128 tỷ USD, nếu không thu hút được đầu tư nước ngoài vào ngành điện thì Tổng sơ đồ này khó có thể được hiện thực hóa. Thực tế cho thấy, vài chục năm nay không có nhà đầu tư nước ngoài nào dám đầu tư vào lĩnh vực điện vì giá điện của Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư.


Theo tôi, cốt lõi của vấn đề chính là Chính phủ và các bộ ngành liên quan phải xây dựng được các cơ chế chính sách “gỡ” được những vướng mắc và sớm ban hành mức giá điện hợp lý. Có như vậy, câu chuyện thiếu điện, cắt điện mới có thể được giải quyết tận gốc.


Xin cảm ơn ông!


Kim Anh - Thu Hằng (thực hiện)

Nguy cơ thiếu điện ở miền Nam
Nguy cơ thiếu điện ở miền Nam

Các tỉnh phía Nam đang bước vào thời kỳ mùa khô với nắng nóng kéo dài diễn ra trên diện rộng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Trong khi đó thực tế cho thấy, khu vực này có nguy cơ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu về điện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN