Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, động thái này sẽ tạo ra những tác động tới nền kinh tế Việt Nam, quan trọng là Việt Nam có thể thay đổi để bắt kịp theo những xu hướng của thế giới hay không?
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho hay, các động thái của Mỹ - Trung là có thể dự báo trước và đi theo hướng giảm nhiệt dần, khi mà cả hai bên đều có những thỏa hiệp, đặc biệt là từ phía Trung Quốc. Bởi vì, nếu tiếp tục kéo dài sẽ có sự tổn thương cho cả hai nền kinh tế, mà đặc biệt là nền kinh tế Trung Quốc trong 2 năm vừa qua. Với những diễn biến như vậy sẽ còn những bước tiếp theo hướng tới bình thường hóa nhiều hơn và nền kinh tế Trung Quốc sẽ có những thay đổi theo hướng thị trường nhiều hơn.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách phân tích: Những bước tiến này sẽ có tác động tốt hơn cho nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong ngắn hạn, với điều kiện hiện nay thì Việt Nam cũng không hưởng lợi nhiều từ cuộc chiến Mỹ - Trung. Chúng ta cũng có ít nhiều lợi ích song cũng hứng chịu nhiều rủi ro về pháp lý và môi trường kinh doanh quốc tế. Việt Nam trở thành môi trường mà Mỹ xem xét nhiều về các điều kiện như có thao túng tiền tệ không, có nhiều hàng nhập lẩn tránh từ Trung Quốc không...
“Nếu cuộc chiến thương mại giảm nhiệt thì Việt Nam sẽ tham gia giai đoạn mới, sử dụng các lợi thế của chúng ta để phát triển theo cách lành mạnh, tăng tính cạnh tranh nhiều hơn. Vấn đề ở đây luôn luôn là thể chế, chính quyền. Trong giai đoạn vừa qua, chúng ta không có nhiều lợi ích vì chúng ta không có nhiều cải cách đáng kể trong vấn đề này. Đáng nhẽ, trong những năm qua, chúng ta có thể làm cho doanh nghiệp bật lên, nền kinh tế nổi bật hơn nữa, nhưng vẫn chưa làm được. Trong tương lai, mọi thứ thay đổi nhanh chóng mà chúng ta không thay đổi, khu vực kinh tế tư nhân không bắt kịp thì sẽ tuột mất cơ hội. Còn trong hoàn cảnh nào, cơ hội vẫn là mở ra cho phía Việt Nam...", ông Nguyễn Đức Thành nói.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách hạ nhiệt cuộc chiến tranh thương mại. Thứ nhất, Mỹ đưa Trung Quốc ra khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ và họ cũng đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Nhưng liệu họ có tiến tới giai đoạn 2 hay không, bước tiếp theo là thế nào và họ thực hiện giai đoạn 1 như thế nào cho đến giờ này cũng chưa biết ?... là những câu hỏi được chuyên gia này đặt ra.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trong giai đoạn 1 có rất nhiều điều khoản quan trọng, như: Trung Quốc phải mua hàng nhiều hơn của Mỹ, đặc biệt là nông sản, nhưng phía Trung Quốc mua bao nhiêu và có làm thỏa mãn Mỹ hay không thì chưa biết. Vì vậy, giai đoạn 1 mới chỉ là khởi đầu.
Chuyên gia này cũng phân tích: Xét về tính tác động thì chiến tranh thương mại có tác động cả lợi và hại tới Việt Nam. Khi chiến tranh thương mại được xoa dịu thì ít nhiều kinh tế toàn cầu sẽ có cơ sở khởi sắc. Bởi, đây là hai thị trường, hai nền kinh tế lớn. Việt Nam có thể bán hàng cho Mỹ và cả Trung Quốc, nếu chiến tranh thương mại vẫn tiếp diễn thì hàng hóa của hai nước này đều gặp khó khi vào thị trường của nhau. Bên cạnh đó, trong chiến tranh thương mại, hàng hóa hai nước này cũng sẽ vào Việt Nam nhiều hơn và khi đó các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ gặp nhiều bất lợi.
“Nếu hai bên tiến tới bình thường hóa quan hệ, có thể có những tác động không tốt lắm cho thị trường Việt Nam trong việc luân chuyển hàng hóa và xuất khẩu của Việt Nam tới từng nước này. Cùng đó, các nhà đầu tư của Mỹ ở Trung Quốc khi thấy cuộc chiến thương mại xuống thang hoặc hòa giải thì họ không còn ý định rời khỏi Trung Quốc để sang Việt Nam”, ông Hiếu nói.
Để có thể ứng phó mọi tình huống, địa chính trị, trước hết Chính phủ và đặc biệt các công ty xuất khẩu nên theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường của mình, từ đó, xem thị trường đang dao động như thế nào. Nếu Mỹ là thị trường chúng ta bỏ nhiều năng lực, công sức để duy trì mà gặp bất ổn thì lập tức phải có những bước phát triển thị trường mới. Đồng thời, phải đa dạng hóa cả thị trường xuất khẩu là Mỹ và cả thị trường nhập khẩu là Trung Quốc. Vị chuyên gia này đề xuất.
Về thể chế, ông Hiếu cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không tác động nhiều, mà các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có tác động mạnh hơn. Thể chế ở đây là tổng hợp của các định chế; trong đó, có Chính phủ, các bộ, ngành, các chính sách của Chính phủ. Khi hội nhập nhiều hơn thì phải mở cửa nhiều hơn, các luật pháp, từ Chính phủ, bộ, ngành phải thay đổi để phù hợp với thay đổi của thế giới qua cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, qua nền kinh tế kĩ thuật số, mà cái đó ở Việt Nam hiện còn chậm...