Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin, Yagi là cơn bão có sức gió mạnh nhất thế giới (ghi nhận đến thời điểm hiện nay) trong năm 2024; cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào biển Đông trong vòng 30 năm qua; cơn bão có cấp độ tăng cấp nhanh nhất trong lịch sử các cơn bão tại Việt Nam (trong 8 tiếng đã tăng 4 cấp, từ cấp 12 lên cấp 16); cơn bão có thời gian hoành hành trên đất liền Việt Nam lâu nhất từ trước đến nay.
Với cấp độ mạnh, di chuyển chậm, bão Yagi đã gây ra những thiệt hại ngoài sức tưởng tượng. Là một trong những người trực tiếp có mặt tại tâm bão, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ông đã chứng kiến cảnh gió bão quét qua lúc đó rất khủng khiếp.
Thông tin về thiệt hại do bão Yagi gây ra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thống kê đến nay đã có 24 người tử vong, 250 người bị thương.
Về hạ tầng, thiệt hại lớn nhất là điện và viễn thông, hiện nay đã bắt đầu khôi phục điện ở Quảng Ninh và Hải Phòng. Còn về nhà cửa, tại nơi bão đổ bộ trực tiếp 100% nhà thấp tầng có mái tôn bị bay mái.
Bên cạnh những thiệt hại về người, nhà cửa, viễn thông, bão Yagi đã gây ra thiệt hại lớn về cây xanh. Bão Yagi đã khiến gần 1 triệu ha rừng bị thiệt hại.
Tại Hạ Long (Quảng Ninh) - nơi tâm bão Yagi đổ bộ, có khoảng 90% cây xanh bị gãy đổ. Còn tại Hà Nội, theo thống kê, đã có hơn 24.000 cây xanh bị gãy cành, bật gốc, chiếm khoảng 10% tổng số cây xanh toàn thành phố.
Theo ông Hiệp, điều đáng lo ngại nhất lúc này không phải là những thiệt hại kể trên, mà là tình hình mưa lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Hiện mực nước tại một số sông, suối lớn ở miền Bắc lên mức báo động 3 và ở mức báo động này sẽ gây ra ngập lụt ở hạ du, ảnh hưởng rất lớn đến đê điều.
Cũng theo ông Hiệp, chỉ tính trong ngày 8/9, ở nhiều vùng miền núi phía Bắc, có những điểm trong vòng 24 giờ mưa lên đến 700mm. Một số tỉnh như Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên lượng mưa trong ngày 8/9, đã lớn gấp đôi trung bình tháng 9 của những địa phương này.
Sáng 9/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phát tin cảnh báo lũ khẩn cấp trên sông Thao, sông Lục Nam; tin lũ trên sông Cầu, sông Thương, sông Hoàng Long; tin cảnh báo lũ trên các sông Bắc Bộ và Thanh Hóa.
Về hiện trạng diễn biến lũ trong 12 giờ qua, theo đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lũ trên sông Hoàng Long đã đạt đỉnh và đang xuống, đỉnh lũ tại trạm Bến Đế 3,81m (dưới báo động 3 0,19m); lũ hạ lưu sông Mã đã đạt đỉnh và đang xuống, đỉnh lũ tại Lý Nhân 9,69m trên báo động 1 0,19m.
Mực nước sông Thao (Yên Bái), sông Cầu (Bắc Ninh), sông Lục Nam, sông Thương (Bắc Giang) đang lên.
Dự báo trong 3 giờ tới, lũ trên sông Lục Nam tiếp tục lên và có khả năng đạt đỉnh, đỉnh lũ tại Lục Nam ở mức 6,80m, trên báo động 3 0,5m.
Trong 3 - 9 giờ tiếp theo, lũ trên sông Thao tiếp tục lên và có khả năng đạt đỉnh, đỉnh lũ tại Yên Bái ở mức 34,10m, trên báo động 3 là 2,1m...
Trong 24 giờ tới, lũ trên sông Cầu, sông Thương tiếp tục lên.
Cảnh báo từ 9 - 11/9, trên các sông khác ở khu vực Bắc Bộ xuất hiện 1 đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La lên mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa.
- Do mưa lớn, trong ngày 8/9, tại Sapa (Lào Cai) đã xảy ra sạt lở 4 nhà dân khiến 5 người tử vong và 12 người bị thương. Trước đó, tại huyện Đà Bắc (Hòa Bình) cũng xảy ra sạt lở đất khiến 4 người tử vong.
- Theo thông tin mới nhất, huyện Bát Xát (Lào Cai) đã xảy ra sạt lở đất khiến 8 người bị mất tích.