Cánh đồng mẫu lớn là xu thế tất yếu

Tại hội thảo “Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn” được tổ chức hôm qua tại Cần Thơ, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, sản xuất nông nghiệp theo mô hình cánh đồng mẫu lớn là xu thế tất yếu để nền nông nghiệp nước nhà nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.


Tăng cường liên kết 4 nhà


Theo tính toán của ngành nông nghiệp năm 2012, mỗi ha lúa tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, người sản xuất có thể thu lời thêm từ 2,2 - 7,5 triệu đồng so với sản xuất bình thường. Hiệu quả kinh tế cũng cao hơn khi chi phí sản xuất giảm được từ 10 - 15%, trong khi giá trị sản lượng tăng 20 - 25%.


Cánh đồng mẫu lớn 30 ha sản xuất giống lúa QR1 tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Anh Minh - TTXVN

 

Minh chứng cho vấn đề này, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Trung An cho biết, tổng kết qua 6 vụ thực hiện mô hình này cho thấy, nông dân tiết kiệm được trên 20 triệu/ha/năm, đó là nhờ tiết kiệm giống, phân do áp dụng đúng quy trình sản xuất. “Doanh nghiệp cũng được lợi vì nhờ chất lượng gạo đảm bảo nên gạo thơm bán được với giá cao, tương đương với giá gạo của Thái Lan”. Ông Bình cho biết thêm: Chỉ có sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn mới có thể trồng một loại gạo đồng nhất. Hiện nay, loại gạo này được xuất khẩu với giá 600 USD/tấn, cao hơn gạo thông thường khoảng 60 USD/tấn, trong khi chi phí sản xuất thấp hơn.


“Tuy nhiên với mức lợi nhuận như thế nhưng vẫn ít doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn vì vốn đầu tư lớn để cấp giống, phân, thuốc… cho nông dân sản xuất. Khi thu hoạch, doanh nghiệp phải đầu tư máy móc để sấy lúa và phải đầu tư hệ thống kho chứa. Hơn nữa, doanh nghiệp phải lo vốn để trả tiền mua lúa cho nông dân trong vòng 30 ngày”, ông An chia sẻ.


GS. TS Võ Tòng Xuân cho rằng, để sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, nông dân phải được đào tạo kiến thức về sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, phải có tư duy mới về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hơn nữa, Nhà nước phải đầu tư thực sự đích đáng cho nông thôn kiểu mới, tạo công ăn việc làm ở nông thôn, phải xây dựng cấu trúc hạ tầng, mở thị trường cho nông thôn, nâng cao trình độ quản lý nông thôn, hạn chế áp dụng chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm” đối với dân nghèo.


GS Võ Tòng Xuân cho rằng, chúng ta có liên kết 4 nhà nhưng mạnh nhà nào nhà ấy làm. Nông dân tuy là lực lượng đông đảo nhất của quốc gia, nhưng chủ yếu sản xuất nguyên liệu. Doanh nghiệp - lực lượng tối cần để kết thúc mỗi chương trình phát triển nhưng lại dựa vào thương lái, chụp giật, ép giá. Nhà nước thì qui hoạch rồi bỏ đó mặc cho nông dân, còn nông dân thì tự do trồng và chặt.


Do đó, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, cần tăng cường mối liên kết 4 nhà, trong đó, các doanh nghiệp phải về địa phương, có bộ phận kinh doanh chuyên đi tìm thị trường, hoặc mở thị trường cho hàng hóa độc đáo của vùng mình. Xây dựng hợp tác xã/tập đoàn/trang trại, tạo sản phẩm cạnh tranh với khối lượng lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm, giao hàng đúng lúc, giá thành cạnh tranh. Về nguyên tắc, nông dân cá thể không thể tồn tại, do đó cần hợp tác với nhau trong các HTX, tập đoàn, trang trại. Chấm dứt tình trạng doanh nghiệp sản xuất mà không có vùng cung cấp ổn định nguyên liệu có chất lượng, và không thiết bị hiện đại. Từng công ty cần quy hoạch vùng nguyên liệu theo qui hoạch thế mạnh của vùng. Trên vùng qui hoạch nguyên liệu, cần thành lập tập đoàn hoặc HTX sản xuất tập trung cùng một sản phẩm nguyên liệu, theo qui trình GAP đạt chất lượng VietGAP hoặc GlobalGAP.


Để có một chính sách mới hơn nhằm gắn kết nông dân với doanh nghiệp, có ý kiến cho rằng, cần lập các công ty cổ phần nông nghiệp và cho nông dân mua cổ phần của doanh nghiệp bằng lúa và bảo đảm giá thu mua có lãi. Như vậy, sẽ không còn cảnh doanh nghiệp “mua tạm trữ” cho dân nhưng lại thu lãi cho mình, không còn cảnh nông dân bị thương lái ép giá, không còn việc bội ước của công ty hoặc nông dân. Hàng năm nông dân cổ đông được chia cổ tức từ doanh thu có lãi của công ty cổ phần.


Nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo


Ở nước ta hiện nay, nông dân vẫn ưa trồng các giống lúa năng suất cao nhưng hiệu quả không cao. Hơn nữa, phần lớn nông dân không theo đúng kỹ thuật, sử dụng nhiều thuốc trừ sâu bệnh, tăng khí thải, góp phần làm tăng biến đổi khí hậu, giảm chất lượng hạt gạo, biến đổi mùi vị và tăng chí phí đầu vào của người trồng. Với sản phẩm như vậy nên thị trường không ổn định và lệ thuộc nhiều vào thương lái nên dễ bị ép giá và lợi nhuận sản xuất không cao.


Đặc điểm nổi bật là phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam không có thị trường đầu ra ổn định, không có vùng nguyên liệu, không có hoặc không đủ nhà kho chứa lúa, ít có máy sấy lúa đúng tiêu chuẩn, nên chất lượng gạo xuất khẩu không cao. Kết quả của việc mạnh ai nấy làm là Việt Nam mặc dù là quốc gia xếp thứ 1-2 thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê và khối lượng đáng kể về thủy sản, cao su, rau quả... lại chưa có nông sản xuất khẩu thương hiệu mạnh.


Lợi tức của nông dân thấp so các thành phần khác. Nông thôn nghèo tiếp tục quanh quẩn trong cái vòng: Sản lượng thấp, lợi tức thấp, dẫn đến không có tiền đầu tư cho sản xuất. Do đó, cần nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo để nâng cao đời sống người nông dân và chất lượng nền nông nghiệp nước nhà.

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh công tác quy hoạch lại mùa vụ, cơ cấu sản phẩm hiện nay là hết sức quan trọng và cần thiết từ cơ sở là xã, phường đến cả nước. Cần phải tổ chức liên kết tốt giữa doanh nghiệp với nhau, doanh nghiệp với dân, giữa dân với dân, thực hiện liên kết từ đầu vào cho đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng Nhà nước cần phải có thông tin thị trường, quy hoạch, dự báo nhu cầu thị trường trong nước và thế giới, ban hành các cơ chế chính sách về vốn, đào tạo nghề và tổ chức thực hiện trên từng địa bàn. Doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế tích cực tham gia liên kết với các nhà khoa học, nông dân thông qua vùng nguyên liệu, đầu tư sản xuất hiện đại theo mô hình kinh tế lớn, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đối với người dân, theo Phó Thủ tướng, phải tích cực tuyên truyền để bà con thay đổi tập quán sản xuất, thực hiện nghiêm quy trình sản xuất và hợp đồng với các doanh nghiệp. Nhà khoa học phải tích cực nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất có hiệu quả...


Lê Hiền

Cánh đồng mẫu lớn ở Phú Yên cho hiệu quả cao

Mô hình cánh đồng mẫu lớn chuyên sản xuất lúa giống cấp xác nhận vụ hè thu 2013 tại HTX nông nghiệp An Ninh Tây, huyện Tây Ninh, tỉnh Phú Yên cho hiệu quả cao với mức lãi cao hơn giống lúa đối chứng 11,7 triệu đồng/ha.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN