Con đường “tăng giá” của hạt gạo - Bài 4: Cánh đồng mẫu lớn nhưng… “chưa lớn”

Những ngày cuối tháng 6 vừa qua, nông dân trồng lúa trên cánh đồng mẫu lớn 300 ha tại ấp Tân Thạnh, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp phải bán đổ bán tháo lúa MTL566 cho thương lái. Vì đúng ngày thu hoạch, công ty TNHH XNK Võ Thị Thu Hà bỗng dưng tuyên bố không mua lúa của nhà nông như cam kết ban đầu vì chê lúa không đạt yêu cầu.

 

Bán đổ, bán tháo


Chiều ngày 26/6, cánh đồng mẫu lớn 300 ha tọa lạc ấp Tân Thạnh tập trung nhiều thương lái đến thu mua lúa MTL566 với giá từ 4.000 - 4.150 đồng/kg. Anh Nguyễn Phước Trường vừa “bán đổ bán tháo” cho thương lái 5 công lúa với giá 4.150 đồng/kg, bức xúc nói: “Dân tụi tui hợp đồng trồng giống lúa MT566 theo yêu cầu của công ty TNHH XNK Võ Thị Thu Hà. Đến ngày thu hoạch, nhân viên của công ty vào xem lúa và nói là lúa bị đổ ngã, lên mầm nên không chịu mua lúa. Trong khi lúa tới đợt thu hoạch, người dân không có chỗ phơi lúa nên phải vội bán cho thương lái”.


 

Anh Nguyễn Phước Trường bên đống lúa MTL566 đã bán gấp cho thương lái.

Theo ông Hồ Ngọc Tường, Trưởng ấp Tân Thạnh, đầu vụ công ty của bà Hà giao kết với UBND xã trồng lúa MTL566 với giá bao tiêu cho dân là 4.200 đồng/kg nhưng công ty và UBND xã không có làm hợp đồng với nhau. Thời điểm thu hoạch lúa, thấy lúa ướt, nhân viên công ty yêu cầu nông dân phơi khô lúa và sẽ thu mua theo giá thị trường. Tuy nhiên, người dân không đồng tình và muốn cùng công ty thương lượng lại giá lúa. Nếu lúa bị ướt, nhà nông đồng tình sẽ bán với giá 4.000 đồng/kg. Thậm chí khi xảy ra sự việc, những ruộng không bị đổ ngã, lúa đẹp mà công ty cũng không thu mua. “Người dân làm gì có sân phơi lúa. Với lại tiền vận chuyển lúa từ đồng vào nhà cũng cao nữa. Đành phải bán gấp cho thương lái. Biết là bị “xử ép” mà từ ngày hôm qua đến giờ, tôi vẫn phải điện thoại cho thương lái vào mua gấp lúa cho dân”, ông Tường ngậm ngùi nói.


Chúng tôi có mặt tại cánh đồng mẫu lớn chứng kiến những chiếc máy gặt đập liên hợp hoạt động hết công suất, hàng trăm bao lúa MTL566 được dân xếp thành từng đống dọc trên đường nông thôn để chờ thương lái vào mua. Bà Lê Thị Nga, nhìn cánh đồng lúa trĩu hạt bằng đôi mắt đầy kinh nghiệm nhiều năm của một thương lái, nói: “Tôi thấy lúa có đổ ngã nhưng đâu có nhiều, với lại lúa không có bị hư. Tuy nhiên, vào mùa mưa, đi mua lúa không có lời lãi nhiều do lúa bị ẩm ướt. Chắc công ty thu mua lúa tính ra không có lời nên không mua cho bà con chứ. Nếu có lời thì đã làm rồi”.

 

Bất cập “đầu ra” ở cánh đồng mẫu lớn


Trao đổi với ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Trung, từ khi xảy ra vụ việc, UBND xã đã làm việc với công ty TNHH XNK Võ Thị Thu Hà nhưng vẫn chưa xác định lỗi thuộc về ai. “Cơn bão số 2 làm lúa ngã đổ, chỉ khoảng 20% tổng diện tích thu hoạch. Nói chung vụ việc này có nhiều nguyên nhân mà mình chưa xác định nguyên nhân chính xác, lỗi của bên nào”, Chủ tịch xã Nguyễn Văn Bảy nói mơ hồ.


Tuy nhiên, chờ đến khi có lời giải đáp “ai đúng, ai sai, xử trí như thế nào” thì hầu hết nông dân đã bán hết lúa cho thương lái. “Tham gia cánh đồng mẫu lớn, người dân phải mua giống giá cao, mà “đầu ra” lại bất cập” - bà Lê Thị Sinh, nông dân có 11 công ruộng tham gia cánh đồng mẫu lớn tại ấp Tân Thạnh bức xúc nói.


Theo lời ông Hồ Ngọc Tường, Trưởng ấp, vụ lúa hè thu MTL566 này, công ty TNHH XNK Võ Thị Thu Hà hỗ trợ cho nông dân 200 đồng/kg theo giá thị trường để thu mua lúa với giá 4.200 đồng/kg. Qua những gì thực tế diễn ra tại địa phương, ông Tường nhìn nhận rằng để phát triển cánh đồng mẫu lớn cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nông dân để đôi bên cùng có lợi và có sự tham gia của nhà nước và nhà khoa học. Quan trọng nhất là phải lo “đầu ra” cho hạt lúa.


Thực trạng bất cập đầu ra không chỉ riêng tại cánh đồng mẫu lớn ấp Tân Thạnh, xã Bình Thạnh Trung mà đó còn là thực trạng ở nhiều cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL. GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho rằng: “Chủ trương phát triển cánh đồng mẫu lớn là cần thiết. Nhưng trong 10 doanh nghiệp thì chỉ có 2, 3 doanh nghiệp có tâm huyết với bà con thôi. Còn lại là kiểu “cho, ban ơn” và muốn rút lui lúc nào thì rút. Do vậy phát triển cánh đồng mẫu lớn như vậy là không bền vững”.


“Đến nay dù đang phát triển cánh đồng mẫu lớn nhưng nói thẳng, giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa ngồi cùng một con thuyền. Phải làm sao để doanh nghiệp và nông dân cùng chia sẻ lợi ích và những khó khăn” - TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhìn nhận.


Bài và ảnh: Anh Đức

 

Bài cuối: Tổ chức lại sản xuất để nông dân thoát nghèo

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN