Cảnh giác thông tin trên mạng xã hội lừa đảo đi xuất khẩu lao động việc nhẹ, lương cao

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, lợi dụng mạng xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã thông tin sai sự thật, lập trang web, nhóm trên Zalo tạo lòng tin để lừa đảo người lao động. Gần đây nhất là tình trạng lừa đảo người lao động sang Campuchia làm việc với chiêu bài “việc nhẹ lương cao”.

Tại buổi trao đổi với báo  chí chiều 20/6, ông Nguyễn Gia Liêm cho biết, Việt Nam và Campuchia có thỏa thuận hợp tác về lao động, thỏa thuận đảm bảo pháp lý cho người lao động ở vùng biên và những người lao động đã đang ở lãnh thổ của từng nước.

Trong thời gian gần đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước có nhận được thông tin từ các cơ quan báo chí phản ánh về việc nhiều lao động bị lừa đảo sang Campuchia làm việc với chiêu “việc nhẹ lương cao”. “Đây là những lao động không phải đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động của các doanh nghiệp được cấp phép trong nước mà đi đường bộ qua khu vực biên giới”, ông Liêm khẳng định.

Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, trong thời gian qua, cơ quan này cũng đã có những thông tin cảnh báo, khuyến nghị chung đối người lao động đi làm việc ở nước ngoài chứ chưa có cảnh báo riêng thị trường Campuchia.

Để tránh bị lừa đảo, về phía người lao động, ông Liêm khuyến cáo cần chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường lao động ngoài nước, các điều kiện quy định xem mình có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không.

Ông Nguyễn Gia Liêm chia sẻ: “Có nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra tuyển người lao động với lời quảng cáo “việc nhẹ lương cao, thu nhập tốt, điều kiện làm việc tốt nhưng thực tế không đúng như vậy. Người lao động cần liên hệ trực tiếp với các đơn vị có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, danh sách các doanh nghiệp đều được đăng tải trên trang web của cục tại địa chỉ: www.Dolab.gov.vn, hoặc liên hệ với các cơ quan quản lý lao động tại địa phương nơi mình cư trú để được hướng dẫn thêm”.

Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đề nghị khi người lao động hoặc các cơ quan báo chí nhận được thông tin lừa đảo người lao động, cần cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý, qua đó Cục Quản lý lao động ngoài nước có thể đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cơ sở vào cuộc kiểm tra và hướng dẫn người lao động xác minh. Nếu có tổ chức cá nhân vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Về chiêu thức lừa đảo người lao động, ông Nguyễn Gia Liêm cảnh báo: “Lợi dụng mạng xã hội, không ít tổ chức cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đưa thông tin sai sự thật, kể cả lập các trang web, nhóm trên Zalo tạo ra lòng tin của người lao động rất tinh vi. Ngoài ra, có những tổ chức cá nhân dùng cả hình ảnh của người lao động đang làm việc ở nước ngoài, làm giả trang web giống như trang web của doanh nghiệp uy tín, mở văn phòng, tổ chức sự kiện tại khách sạn nhằm gây lòng tin để lừa đảo người lao động”.

 

XM/Báo Tin tức
Có được tăng lương tối thiểu vùng khi bỏ quy định cao hơn 7% với người qua đào tạo?
Có được tăng lương tối thiểu vùng khi bỏ quy định cao hơn 7% với người qua đào tạo?

Chính phủ đã ban hành Nghị định số /2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ ngày 1/7/2022. Tuy nhiên, điểm mới của Nghị định này là bỏ quy định về lương tối thiểu cao hơn 7% cho người đã qua học nghề. Do đó, người lao động lo ngại doanh nghiệp sẽ lách vì đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN