Việc công nhận các làng nghề truyền thống sẽ góp phần quan trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.
Xã Thành Công có gần 100 hộ sản xuất miến dong, chủ yếu ở xóm Phia Đén, Pù Vài. Những năm qua, sản lượng miến của xã đã tăng mạnh, từ 35 tấn năm 2015 lên gần 200 tấn năm 2023. Sản phẩm miến dong Phia Đén đã được đăng ký và cấp nhãn hiệu tập thể và đang xây dựng nhãn hiệu chứng nhận.
Hộ gia đình bà Du Thị Uyên (xóm Pù Vài, xã Thành Công) đã làm nghề sản xuất miến dong từ rất lâu, đến năm 2020 gia đình bà thành lập Cơ sở sản xuất miến dong Minh Đào. Mỗi năm cơ sở sản xuất trung bình từ 10-12 tấn bột miến dong đỏ; tổng doanh thu ước đạt trên 1 tỷ đồng/năm.
Bà Uyên cho biết, miến dong của cơ sở sản xuất Minh Đào nói riêng và các hộ dân làm nghề sản xuất miến dong tại xóm Phia Đén nói chung được làm từ 100% tinh bột củ dong riềng đỏ. Nhờ sự khéo léo, kinh nghiệm và phương pháp sản xuất thủ công truyền thống, đã tạo nên sản phẩm miến dong bóng đẹp, dai hơn, giòn hơn có hương vị đặc trưng của bột dong. Sợi miến to, khi nấu miến mềm, trong, thơm, dai, vị ngọt mát có hương vị đặc trưng…
Chủ tịch UBND xã Thành Công, huyện Nguyên Bình Trần Thị Phương cho biết, sản xuất miến dong là nghề truyền thống có từ lâu đời ở Phia Đén. Miến dong trở thành một trong những sản phẩm nổi tiếng của địa phương, được người dùng biết đến và ưa chuộng. Việc được công nhận là làng nghề truyền thống miến dong Phia Đén sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; phát huy giá trị văn hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển du lịch. Qua đó, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.
Nằm trên trục đường di chuyển từ Thành phố Cao Bằng đến thác Bản Giốc, xã Tự Do (huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng) có hai làng nghề là làng nghề ngói máng (ngói âm dương) xóm Lũng Rì và làng nghề nón lá xóm Hoàng Diệu.
Hơn 10 năm làm nghề đan nón lá, ông Nông Văn Nghiệp (xóm Hoàng Diệu, xã Tự Do) cho biết, tranh thủ lúc nông nhàn, người dân trong xóm làm thêm các nghề thủ công như làm ngói đất nung, dệt vải và đan lát, vừa để phục vụ cuộc sống sinh hoạt, cũng như tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Theo ông Nghiệp, nghề làm nón lá xóm Hoàng Diệu đã có từ lâu đời. Hiện nay, trong xóm có 39/113 hộ làm nón lá. Nón lá được làm từ nguyên liệu cây tre, cây nứa; qua bàn tay đan lát khéo léo của những người dân nơi đây đã tạo ra những chiếc nón với nhiều kích thước khác nhau. Những năm gần đây, những chiếc nón lá xóm Hoàng Diệu được nhiều khách du lịch quan tâm và sử dụng để tạo nét riêng mỗi khi đến tham quan miền non nước Cao Bằng. Điều này góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân, thúc đẩy nhiều gia đình tham gia làm nón lá…
Xã Tự Do (huyện Quảng Hòa) còn có làng nghề làm ngói đất nung xóm Lũng Rì. Chị Lương Thị Liên (xóm Lũng Rì) cho biết, từ khi sinh ra đã thấy người dân trong xóm có nghề làm ngói. Cứ thế, nghề này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để làm ngói máng theo cách truyền thống phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, từ chọn đất, ủ đất, nhào đất, lọc sạn, tạo hình, phơi, nung các khâu đều làm thủ công nhằm tạo ra sản phẩm, mẫu mã đẹp, thời gian sử dụng lâu dài. Sản phẩm ngói máng được tiêu thụ tại thị trường các huyện, tỉnh vùng lân cận.
Ngoài ba làng nghề vừa được Ủy ban nhân tỉnh Cao Bằng công nhận, tỉnh Cao Bằng còn 5 làng nghề khác gồm làng nghề rèn xã Phúc Sen, làng nghề hương Phia Thắp, làng nghề giấy bản Quốc Dân, làng nghề làm đường phên Bó Tờ (huyện Quảng Hòa) và làng nghề làm hương thảo mộc xóm Nà Kéo, xã Trường Hà (huyện Hà Quảng). Việc xây dựng và công nhận các làng nghề, làng nghề truyền thống là mục tiêu mà tỉnh Cao Bằng hướng đến, tuy nhiên giữ gìn và phát huy các làng nghề này cũng gặp không ít khó khăn.
Chủ tịch UBND xã Tự Do, huyện Quảng Hòa Vi Văn Đức cho rằng, sự phát triển của xã hội, ít nhiều khiến cho các sản phẩm làng nghề truyền thống bị quên lãng, đặc biệt khi các mặt hàng như nón, ngói được sản xuất công nghiệp với giá thành rẻ, phù hợp và tiện lợi. Việc định hướng, đưa các sản phẩm của làng nghề truyền thống ra các thị trường lớn từ các ngành chức năng còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ cũng không còn mặn mà với nghề truyền thống, vì vậy dạy nghề trở thành đòi hỏi cấp bách đối với hầu hết các làng nghề truyền thống…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng Nông Thanh Mẫn cho biết, thời gian tới, để góp phần đạt mục tiêu phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tỉnh Cao Bằng xác định tạo hiệu quả kinh tế kép từ phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch nông thôn.
Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề truyền thống. Đến hết năm 2025, tỉnh phấn đấu khôi phục, bảo tồn được ít nhất 2 làng nghề truyền thống; công nhận thêm 5 làng nghề.
Cùng với đó là việc quản lý sau khi công nhận các làng nghề, làng nghề truyền thống. Theo đó, tỉnh duy trì, xây dựng và phát triển làng nghề ổn định, bền vững, gắn với du lịch và bảo vệ môi trường; tích cực đầu tư, mở rộng sản xuất, cải tiến thiết bị công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tiến mẫu mã nhằm đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật ngày càng cao được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh đó là mở rộng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; khai thác và phát triển bền vững vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.