Với ý nghĩa đặc biệt đó, suốt bao năm qua, những người làm nghề ở Làng hương Đông Khê vẫn trung thành với công nghệ sản xuất hương thủ công truyền thống. Để có được những nén hương ưng ý là tất cả sự kỳ công của những người thợ nơi đây.
Theo các cụ cao niên trong làng, Làng hương Đông Khê có tuổi đời trên 300 năm. Từ đó đến nay, làng nghề vẫn tồn tại và duy trì nhờ vào thương hiệu hương sạch, đảm bảo chất lượng, dù thị trường đang bị bão hoà bởi những sản phẩm tẩm hoá chất hoặc pha trộn nguyên liệu khác để giảm giá thành…
Hương Đông Khê được làm từ các loại nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên như cây hương bài, nhựa trám, than, tăm tre... và hoàn toàn không dùng hóa chất. Nhờ đó tháng 1/2015, Làng nghề hương Đông Khê được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là “Làng nghề hương truyền thống”.
Với người dân làng Đông Khê, để cho ra một mẻ hương tốt, người làm hương phải chuẩn bị các loại nguyên liệu chính như tăm hương, nhựa hương và than phụ gia. Phần tăm hương được làm chủ yếu từ tre, nứa hoặc vầu. Tăm hương sẽ được chia thành nhiều đoạn ngắn dài khác nhau tùy vào từng loại hương; sau đó được phơi khô rồi nhuộm một phần chân. Tiếp đến là công đoạn chạy nhựa, đây được xem là một trong những công đoạn quan trọng để tạo nên mùi thơm đặc trưng của cây hương.
Người làm hương Đông Khê thường dùng nhựa cây trám trộn với bột than xay nhuyễn, sau đó lăn đều lên thân cây hương. Sau khi lăn nhựa, những người thợ tỉ mỉ dùng tay để lăn bột bài - loại bột tạo nên hương thơm của cây hương. Sau khi hoàn tất các công đoạn, hương sẽ được mang đi phơi trên những chiếc phên tre, nắng gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp và giữ nguyên mùi thơm. Tuy nhiên, để tạo nên hương thơm khác biệt cho các mẻ hương lại tùy thuộc vào bí quyết của từng người thợ với sự gia giảm thành phần hương liệu theo tỷ lệ thích hợp.
Trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ cùng đôi bàn tay khéo léo, những người thợ Làng hương Đông Khê đã làm ra những cây hương đẹp, tròn đều, được người tiêu dùng ưa chuộng. Có hai loại hương tạo nên thương hiệu của Làng hương Đông Khê đó là hương sào và hương tăm. Đây là 2 loại hương được ưa chuộng bởi mùi thơm nhẹ nhàng, cháy đều đến cuối, tàn hương uốn vòng lại trên bát hương, báo hiệu những điềm tốt lành. Nhờ đó thị trường tiêu thụ hương Đông Khê tương đối ổn định, mang lại thu nhập khá cho người lao động và các hộ kinh doanh mỗi dịp Tết về.
Là gia đình có truyền thống làm hương, ông Đoàn Văn Mậu (làng Đông Khê, xã Hoằng Quỳ) đã gắn bó với nghề hơn 50 năm nay. Ông Mậu cho biết, gia đình ông là một trong số ít hộ dân ở làng nghề sản xuất hương để bán quanh năm. Các tháng trong năm, gia đình ông sản xuất trung bình khoảng 100.000 hương/tháng; nhưng dịp cuối năm sẽ thuê thêm nhân công để sản xuất khoảng 300.000 - 400.000 hương để cung ứng cho thị trường.
Hiện nay, sản phẩm Hương bài Mậu Tiên đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đang được bán rộng rãi tại nhiều tỉnh thành từ Bắc đến Nam như Đắc Lắc, Gia Lai, Nam Định, Hà Nội, Bắc Ninh…
Ông Đoàn Văn Mậu cho biết: “Dù đã có những khoảng thời gian gia đình tôi cũng lao đao với nghề nhưng gần chục năm nay, đây là nghề nuôi sống cả gia đình tôi. Những tháng cận Tết, nghề làm hương đem lại nguồn thu cao hơn, nhiều khi không có đủ hàng để bán. Tôi chỉ băn khoăn giờ con trẻ không còn muốn theo nghề của ông cha, chúng tôi thì ngày mỗi già yếu, không biết tương lai nghề làm hương truyền thống này sẽ như thế nào.”
Chung suy nghĩ với ông Mậu, ông Đoàn Văn Tài (thôn Đông Khê, xã Hoàng Quỳ) cũng chia sẻ, nghề làm hương có từ đời các cụ, đến ông đã là đời thứ 4, vì yêu nghề nên ông muốn giữ gìn nghề truyền thống như một nét đẹp văn hóa của làng quê, dù thu nhập không cao và không ổn định như mong muốn.
Ông Hoàng Đình Tuyên, Trưởng thôn Đông Khê (xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa) cho biết, những năm trở lại đây, việc làm hương thủ công truyền thống không mang hiệu quả kinh tế cao nên từ chỗ có gần 100 hộ làm hương vào năm 2015, đến nay chỉ còn 10 hộ làm nghề. Giới trẻ cũng không còn mặn mà với nghề truyền thống của cha ông. Cùng với đó, việc phải cạnh tranh với các cơ sở làm hương bằng máy cũng là một nguyên nhân khiến làng nghề làm hương thủ công truyền thống Đông Khê đứng trước nguy cơ mai một…
Để phát triển nghề làm hương truyền thống của địa phương, năm 2024, huyện Hoằng Hóa sẽ có chủ trương đẩy mạnh xây dựng thương hiệu làng nghề, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và hoạt động du lịch tại địa phương. Đồng thời huyện cũng sẽ phối hợp mở các lớp dạy nghề, truyền nghề cho thế hệ trẻ để vừa mang lại thu nhập vừa giữ được nghề truyền thống người dân làng Đông Khê.