Tại làng Dạ Lê Chánh, phường Thủy Vân, thành phố Huế, một trong những vựa hoa Tết lớn của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bắt đầu nhộn nhịp không khí mua bán. Hàng ngày có hàng chục chiếc xe ô tô tải ra, vào các vườn hoa, vận chuyển hoa đi nhiều địa phương để bán.
Vụ Tết năm nay gia đình ông Nguyễn Đắc Lộc, làng Dạ Lê Chánh trồng 2.000 chậu cúc, chủ yếu là cúc mâm xôi và pha lê. Với kinh nghiệm trồng hoa gần 30 năm, vườn hoa của gia đình ông phát triển tốt, nở đúng dịp Tết. Ngoài những thành viên trong gia đình, lúc cao điểm ông còn thuê thêm 6 nhân công để chăm sóc, đưa hoa vào chậu và vận chuyển hoa để bán cho các thương lái. Ông Nguyễn Đắc Lộc chia sẻ, đến thời điểm này thương lái đã mua sỉ hết số hoa trong vườn nhà ông để cung ứng cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam. Giá bán cũng tương đối ổn định như mọi năm. Tùy theo kích cỡ chậu hoa mà có giá dao động từ 300.000 đồng đến hơn 3 triệu đồng/cặp.
Nhiều hộ trồng hoa cho biết, thời tiết năm nay khá thuận lợi nên hoa phát triển tốt, cho nụ to, nở đẹp và đúng dịp Tết. Những ngày này, nông dân cũng tích cực bám vườn, chăm sóc hoa, tưới nước hoàn tất những khâu cuối cùng để đưa ra thị trường những chậu hoa đẹp nhất. Tại vườn hoa của gia đình anh Nguyễn Hữu Tùng (43 tuổi, trú tại làng Dạ Lê Chánh) nhiều người dân và thương lái đến tìm hiểu và mua hoa. Vụ hoa Tết năm nay gia đình anh trồng được 400 chậu cúc pha lê cùng nhiều chậu hoa nho và thạch thảo. Đến thời điểm này, gia đình anh đã bán được hơn 100 chậu cúc.
Anh Tùng cho biết, để có những chậu hoa nở đúng dịp Tết, từ tháng 6 Âm lịch, gia đình anh đã bắt đầu chuẩn bị máy móc, làm đất, xuống giống. Khi hoa đã đơm nụ thì phải tỉa bỏ các cành, nhánh phụ và nụ con, chỉ để lại một nụ ở chính giữa, nhằm để cây nuôi dưỡng hoa chính to và đẹp. Trồng hoa tuy vất vả những cho thu nhập cao hơn trồng lúa, trung bình mỗi năm thu lời từ 50 – 70 triệu đồng.
Phường Thủy Vân, thành phố Huế hiện có 70 hộ trồng hoa, mỗi vụ Tết cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 60.000 chậu cúc các loại. Trồng hoa Tết không chỉ giúp giải quyết nhiều lao động cho địa phương và còn mang lại thu nhập đáng kể cho bà con. Trung bình mỗi hộ trồng hoa có thu nhập khoảng 250 triệu, sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng 100 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Vân Nguyễn Thành Công cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương đã huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông tạo thuận tiện trong việc vận chuyển, tiêu thụ hoa cho bà con. Địa phương cũng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa; tìm kiếm và kết nối thị trường tiêu thụ, hỗ trợ các hộ có nhu cầu vay vốn chính sách để phát triển sản xuất. Thực trạng hiện nay, người dân phải mượn đất để trồng hoa, địa phương kiến nghị cấp trên xây dựng quy hoạch diện tích trồng hoa tập trung cùng hệ thống cơ sở hạ tầng để việc trồng hoa của bà con được bền vững mà mang lại thu nhập ổn định.
Vùng hoa truyền thống Phú Mậu, thành phố Huế cũng đã rực rỡ khoe sắc thu hút đông đảo người dân và thương lái đến mua hoa và chụp hình. Người dân nơi đây trồng đa dạng các loài hoa như đồng tiền, mào gà, thạch thảo, dạ yến thảo, hoa vạn thọ, hoa chuông, hoa hồng, các loại cúc… nhằm phục vụ nhu cầu trưng bày cũng như thờ cúng trong dịp Tết. Theo các nhà vườn, những ngày qua thời tiết nắng ráo nên khá đông khách về các vườn xem và chọn lựa cho mình những chậu hoa ưng ý nhất.
Tại các các làng hoa truyền thống nổi tiếng của huyện Phú Vang, Quảng Điền, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế, cũng như các cơ sở trồng hoa tại tỉnh Thừa Thiên - Huế không khí Tết sớm đã hiện hữu. Người trồng hoa đang tất bật chăm sóc, hoàn thiện những khâu cuối cùng và vận chuyển hoa về các chợ hoa Tết để phục vụ người dân, với mong muốn có một cái Tết đầm ấm và góp phần mang sắc xuân đến với mọi nhà.
Trong khi đó, mấy ngày nay, làng hoa lay ơn lớn nhất tỉnh Lâm Đồng thuộc xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) cũng đang tấp nập cảnh thu hoạch, đóng gói hoa để chuyển đi các tỉnh phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.
Theo thường lệ, cứ sau Rằm tháng Chạp Âm lịch, nhà vườn làng hoa lay ơn xã Hiệp An lại tất bật bước vào cao điểm thu hoạch hoa. Ghi nhận trong ngày 31/1, nhiều khu vực đất trống ven Quốc lộ 20 (đoạn qua xã Hiệp An) đã kín xe tải đông lạnh chờ đến giờ bốc hoa chở đi các tỉnh miền Bắc. Dọc tuyến đường này, nhiều vựa hoa “dã chiến” cũng hình thành, công nhân tất bật phân loại, đóng gói hoa từ sáng đến tối để kịp cho những chuyến xe chở hàng khởi hành trong đêm. Trong khi đó, tại các nhà vườn, người dân cũng tranh thủ nhổ hoa từ sáng sớm để kịp chuyển đến các vựa hoa.
Ông Nguyễn Đình Thoại (thôn Định An, xã Hiệp An) cho hay, so với cùng thời điểm năm ngoái, giá hoa hiện thấp hơn một chút, chỉ đạt 35.000 – 40.000 đồng/bó 10 cành nhưng cơ bản vẫn tiêu thụ tốt. Hiện nay nhà vườn đang chọn những cây hoa đủ độ lớn để thu hoạch, cung cấp cho thị trường các tỉnh miền Bắc. Vài ngày tới sẽ là lứa hoa cho thị trường miền Trung và sau đó mới đến thị trường lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, hy vọng lúc đó giá hoa sẽ tăng cao hơn.
Theo ghi nhận, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, nguồn nước tưới ổn định nên chất lượng hoa lay ơn tại Hiệp An khá tốt, cành hoa to đẹp, độ nở đúng dịp. Chủng loại và màu sắc cũng phong phú, các loài hoa cao giá nhất là lay ơn đỏ giống mới, lay ơn đỏ có nguồn gốc từ Pháp.
Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp An Thái Bình Đông cho biết, dù mới vào đầu vụ thu hoạch hoa Tết nhưng nhiều nhà vườn rất phấn khởi vì được mùa, lượng xe tải đến chở hoa cũng tăng cao trong mấy ngày gần đây. Trước tình hình đó, địa phương đã cử lực lượng thường xuyên tuần tra, nhắc nhở thương lái, nông dân và lái xe không lấn chiếm lòng lề đường, lái xe cẩn thận để đảm bảo việc lưu thông an toàn, thuận lợi trên Quốc lộ 20.
Theo thống kê, tổng diện tích hoa lay ơn của nông dân xã Hiệp An gieo trồng phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 khoảng 180 ha. Sản lượng năm nay ở mức cao, đạt khoảng 20.000 cành/sào. Với mức giá như hiện tại, từ 35.000 – 40.000 đồng/bó, sau khi trừ chi phí người dân có thể thu lãi hàng chục triệu đồng mỗi sào (1.000 m2).