Trước đó, năm 2020, sản phẩm tre măng Bát độ của huyện Trấn Yên cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu này.
Theo ông Vũ Xuân Hợi, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái, giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu các sản phẩm nói trên chính là sự khẳng định về danh tiếng và chất lượng của các mặt hàng nông sản của huyện Trấn Yên, góp phần hoàn thiện khung pháp lý, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động cung cấp các sản phẩm này của Trấn Yên vươn ra thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, điển hình là sản phẩm tre măng Bát độ của Trấn Yên hiện đã được sản xuất chủ yếu để xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...
Để được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận cho ba sản phẩm này, năm 2019, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Yên Bái và Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau, hoa quả Gia Lâm (thuộc Viện nghiên cứu Rau Quả) đã thực hiện 3 dự án quyền sử dụng nhãn hiệu "Bưởi Trấn Yên”, "Chè xanh Trấn Yên” và "Quế vỏ khô Trấn Yên”. Trong quá trình triển khai, các dự án tập trung vào lập hồ sơ đăng ký 3 nhãn hiệu tập thể, xây dựng hệ thống quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể đối với 3 sản phẩm, cũng như xây dựng các phương tiện quảng bá hình ảnh trên thị trường.
Sau thời gian thẩm định, xét duyệt hồ sơ đăng ký, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu "Bưởi Trấn Yên”, "Chè xanh Trấn Yên” và "Quế vỏ khô Trấn Yên” cho ba sản phẩm trên.
Tại Hội nghị, Sở Khoa học và Công nghệ đã công bố và trao các quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu ba sản phẩm này với thời hạn 10 năm. Trên cơ sở đó, huyện Trấn Yên thí điểm trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đối với nhãn hiệu "Bưởi Trấn Yên” cho Hợp tác xã trồng cây ăn quả xã Quy Mông; nhãn hiệu "Chè xanh Trấn Yên” cho Hợp tác xã chè Khen Năm, xã Hưng Khánh và nhãn hiệu "Quế vỏ khô Trấn Yên” cho Hợp tác xã quế Khánh Thành, xã Hòa Cuông để các đơn vị trên quản lý và sử dụng các nhãn hiệu này.