Cầu nối tiêu thụ nông sản cho nông dân

Việc tìm đầu ra cho nông sản ở các địa phương vùng Đông và Tây Nam Bộ trước đây phần lớn đều do các nông dân “tự bơi”. Những năm gần đây, trước sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc cạnh tranh hàng hóa ngày càng gay gắt, chính quyền các địa phương đã chủ động đi tìm đầu ra cho nông dân bằng việc liên kết giữa các tỉnh, thành trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, để sản phẩm của người nông dân có chỗ đứng trên thị trường, ngoài liên kết cần phải sản xuất theo các quy chuẩn quy định.

Liên kết để sản xuất, tiêu thụ

Liên tiếp vài năm gần đây, nhiều tỉnh, thành vùng Đông - Tây Nam Bộ đã chủ động xúc tiến, liên kết thương mại với các thành phố lớn trong vùng để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp phát huy kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp; hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ ổn định, lâu dài. Không những thế, các địa phương còn ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng nông sản. Một trong những ưu tiên hàng đầu của các tỉnh, thành hiện nay là tích cực xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu gắn với hình thành chuỗi sản xuất - chế biến - thương mại, trong đó các doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm trong mối liên kết "4 nhà" chặt chẽ và hiệu quả.

Các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ muốn tìm đầu ra ổn định cho nông sản, cần áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp và sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP…


Theo Sở Công Thương các tỉnh đã thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại với TP Hồ Chí Minh như Long An, Bến Tre, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…, trước tình hình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, người nông dân và doanh nghiệp không thể đứng một mình trong cuộc chơi lớn. Có thể thấy, TP Hồ Chí Minh là nơi phân phối, sản xuất, trung chuyển, xuất nhập khẩu và tiêu thụ hàng hóa lớn nhất trong vùng và cả nước.

Trung bình hàng năm, sức tiêu thụ của TP Hồ Chí Minh tăng trưởng 28%/năm, tỷ trọng GDP chiếm hơn 20%, sản xuất công nghiệp chiếm hơn 30%, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ chiếm hơn 25% so với cả nước. Vì thế, phần lớn các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ đều đến TP Hồ Chí Minh để xúc tiến thương mại. Chỉ tính từ năm 2011 - 2015, TP Hồ chí Minh đã phối hợp với 20 tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ triển khai hợp tác thương mại. Theo đó, đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư nhà máy; mở rộng chuồng trại, ứng vốn cho nông dân trồng trọt, chăn nuôi… tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ.

Theo đó, các doanh nghiệp đồng hành cùng chương trình hợp tác thương mại với các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ đã thực hiện 75 dự án đầu tư sản xuất, liên kết đầu tư với tổng số vốn đầu tư 27.428 tỷ đồng gồm các dự án nuôi, trồng, chế biến thực phẩm, xây dựng nhà máy, trang trại, trung tâm thương mại, siêu thị… Có thể kể đến như Liên hiệp HTX Thương mại thành phố (Saigon Co.op) đã đầu tư 4 trung tâm phân phối, kho lưu trữ tại tỉnh Bình Dương, Hậu Giang… Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đầu tư phát triển hệ thống phân phối, xây dựng nhà xưởng, đầu tư xây dựng kho lạnh hiện đại tại chợ đầu mối Bình Điền có công suất chứa 21.000 tấn hàng hóa; liên kết sản xuất với các tỉnh Đồng Tháp, Đồng Nai, An Giang, Lâm Đồng đưa hàng hóa về tiêu thụ… Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) liên kết với các trang trại chăn nuôi tại các địa phương tiêu thụ bình quân 31.000 tấn heo hơi/năm; 1.241 tấn bò hơi/năm. Công ty TNHH Phạm Tôn liên kết chăn nuôi theo mô hình 3 bên (trang trại - nhà cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi - doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm) với tổng đàn gà hơn 1 triệu con tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và nhà máy giết mổ tại tỉnh Bình Dương, Củ Chi. Công ty TNHH Ba Huân đầu tư 390 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm tại Đức Hòa (Long An)…

Cần nâng cao chất lượng sản phẩm

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An, cho biết trong những năm qua, ngành sản xuất nông nghiệp Long An có mức tăng trưởng khá, nhiều cây trồng và giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất như thanh long, chanh, rau ăn lá, lúa và các giống vật nuôi lấy thịt như bò ngoại, lợn ngoại, các giống gia cầm hướng trứng, hướng thịt… Nhiều loại nông sản hàng hóa cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu với số lượng lớn như: Lúa 2,8 triệu tấn/năm; rau, đậu các loại 180.000 tấn/năm; hoa quả 158.000 tấn/năm (trong đó, thanh long 78.000 tấn/năm; chanh 75.000 tấn/năm…); sản lượng thịt hơi các loại 72.000 tấn/năm; trứng gia cầm 160 triệu quả/năm…

Tuy nhiên, việc sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, chủ yếu là hình thức hộ gia đình, chưa phát triển theo chiều sâu, chưa có sản phẩm chủ lực; chất lượng, sức cạnh tranh chưa cao… và đặc biệt kênh tiêu thụ hàng hóa chủ yếu vẫn thông qua thương lái (chiếm trên 87% lượng nông sản của tỉnh) nên hiệu quả chưa cao. “Đây là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều mặt hàng nông sản tiêu thụ không ổn định, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, vòng xoáy “trồng, chặt” vẫn tiếp diễn”, ông Hồng chia sẻ thêm.

Không riêng tỉnh Long An, nhiều tỉnh, thành vùng Đông - Tây Nam Bộ cũng đang gặp khó khăn tương tự khiến đầu ra không ổn định cho một số hàng nông sản chủ lực. Theo Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, mặc dù việc lập các quy hoạch vùng sản xuất cho từng ngành hàng đã có nhưng chính sách, kiểm soát qui hoạch chưa có hoặc không thực hiện được nên "mạnh ai nấy làm", không có liên kết sản xuất… Mặt khác, cũng do qua nhiều trung gian và công nghệ thu hoạch bảo quản chế biến còn nhiều hạn chế nên chuỗi giá trị trên từng ngành hàng còn nhiều bất cập; phương thức sản xuất còn chạy theo thị trường, chưa chú trọng đến chất lượng sản phẩm; việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa chưa được quan tâm đúng mức.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết, doanh nghiệp mong muốn có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao, nhằm chủ động nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các hộ nông dân khi tham gia liên kết lại chưa theo kịp yêu cầu của doanh nghiệp; thiếu kiến thức về pháp luật dẫn đến tình trạng vi phạm hợp đồng. Thực tế cho thấy, khi các mặt hàng nông sản sản xuất trên diện tích nhỏ, số lượng ít, thương lái đến đặt mua, giá cả và lợi nhuận được người nông dân chấp nhận với tâm lý hào hứng, phấn khởi. Tuy nhiên, sau một thời gian, người nông dân thấy có hiệu quả kinh tế, đã quay ra sản xuất đồng loạt, đại trà và khi thu hoạch đã bị các thương lái ép giá, khiến họ phải chịu nhiều thiệt thòi. Điển hình như phong trào trồng khoai lang tím, hành tím, dưa hấu, thanh long… vừa qua.

Chia sẻ kinh nghiệm liên kết và hợp tác thương mại, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết nguyên nhân là do các đơn vị cung cấp này sản xuất nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu, chất lượng không đồng đều, sản lượng trồi sụt… dẫn đến việc không đáp ứng các yêu cầu của nhà phân phối như sản lượng nhiều, chất lượng ổn định… Theo ông Phương, TP Hồ Chí Minh là một thị trường lớn, có sức tiêu thụ mạnh các sản phẩm nông nghiệp và các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn giá của TP Hồ Chí Minh là những đơn vị cung ứng chính cho thị trường. Do đó, các nhà cung cấp của các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ cần lưu ý vấn đề này để kết nối hiệu quả hơn với các doanh nghiệp bình ổn thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đơn cử như với sản phẩm thịt heo thì liên kết với Vissan, trứng gia cầm có Công ty Ba Huân, thịt gà có Công ty San Hà…

Dưới góc nhìn của các nhà phân phối, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Phòng Dịch vụ - Quản lý mặt bằng chợ Bình Điền (TP Hồ Chí Minh), cho rằng để có thể thâm nhập thị trường TP Hồ Chí Minh, hàng nông, thủy sản của các tỉnh, thành cần phải nâng cao chất lượng hơn, đảm bảo các quy chuẩn theo yêu cầu của cơ quan chức năng địa phương và TP Hồ Chí Minh, cũng như cần được sơ chế tại nguồn. Mặt khác, cần phải xây dựng thương hiệu với các sản phẩm chủ lực để giúp tiêu thụ mạnh hơn.
Bài và ảnh: Hải Yên
Triển khai các giải pháp  tiêu thụ nông sản
Triển khai các giải pháp tiêu thụ nông sản

5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản đã giảm gần 10% so với cùng kỳ. Bộ Công Thương đang triển khai các giải pháp để tìm đầu ra, gỡ khó cho tiêu thụ nông sản, tăng kim ngạch xuất khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN