Bế tắc nhất là chứng minh nguồn gốc nguyên liệu
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) chia sẻ: Trong những năm qua, ngành công nghiệp Gỗ từng đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 20 tỷ USD và trở thành quốc gia xuất khẩu lớn sau Trung Quốc, thế nhưng vài năm gần đây, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu gỗ bị sụt giảm mạnh.
Có nhiều nguyên nhân dân đến các khó khăn của ngành gỗ nhưng một trong số đó xuất phát từ việc thị trường Mỹ chiếm 55% tổng xuất khẩu, nhưng quốc gia này lại áp dụng rất nhiều phương pháp bảo hộ thương mại, khởi xướng nhiều cuộc điều tra gỗ dán và tủ bếp, dẫn đến hiện trạng xuất khẩu giảm.
“Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, 6.100 tỷ đồng tổng số tiền thuế GTGT của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ lại chưa được hoàn, trong đó ngành dăm gỗ chiếm gần 2/3 vì nhiều lý do. Đây chỉ là con số ước tính, thực tế, số tiền chưa được hoàn thuế có thể còn tăng gấp đôi vì nhiều doanh nghiệp e ngại lên tiếng với cơ quan thuế, hải quan, âm thầm chịu đựng. Mặc dù thời gian qua, ngành Thuế đã tích cực đưa ra một số giải pháp tháo gỡ nhưng việc hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp vẫn cần những giải pháp thực chất, hiệu quả hơn”, ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh.
Nằm trong danh sách doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ phải chờ xác minh nguồn gốc gỗ trồng trong nước, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh thời gian qua phải dừng hoạt động vì hàng trăm tỷ đồng tiền thuế tại mỗi doanh nghiệp bị mắc kẹt, chưa được hoàn. "Ngoài hệ thống máy móc, thiết bị bị dừng hoạt động, nhưng doanh nghiệp còn nợ tiền của những người dân bán gỗ, tiền mua dăm của doanh nghiệp", lãnh đạo một công ty gỗ Hạ Long, Quảng Ninh than thở.
Theo ông Thang Văn Thông, Phó Chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam, Cục Thuế địa phương căn cứ vào các bộ hồ sơ các doanh nghiệp gửi lên để xin hoàn, nhưng những bộ hồ sơ đó từ năm 2021 và năm 2022 chưa hoàn được bộ hồ sơ 1 thì không nộp được hồ sơ 2 trong năm nay.
“Cây gỗ khi bán đến doanh nghiệp xuất khẩu đã qua nhiều thương lái. Với cách làm của ngành Thuế hiện nay, nếu như không tìm được một trong những thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không được hoàn thuế. Trong khi việc mua bán qua nhiều thương lái, nhiều tỉnh thành, nếu kiểm tra từng công ty, từng thương lái, không biết đến bao giờ các công ty mới được hoàn thuế...”, ông Thang Văn Thông đặt câu hỏi.
Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với vướng mắc về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu vẫn chưa được tháo gỡ như trường hợp tại một công ty chuyên xuất khẩu cao su, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty này bị “treo” hoàn thuế kéo dài gần 1 năm nay là 50 tỷ đồng dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải ngừng xuất khẩu do cạn vốn.
"Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ mong muốn, nguồn vốn vay ngoại tệ có thể giảm xuống 3,8% để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tăng tính cạnh tranh. Đặc biệt, cần sớm tiến hành việc hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp ngành gỗ khi số tiền cần hoàn là rất lớn; đồng thời ngành Thuế cần đưa các doanh nghiệp ngành gỗ ra khỏi luồng doanh nghiệp rủi ro cao trong hoàn thuế bởi nguồn nguyên liệu chủ yếu từ rừng trồng của nông dân nên để đáp ứng yêu cầu của cơ quan Thuế rất khó...", Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị.
Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh: Việc bị chậm hoàn thuế GTGT đã ảnh hưởng dòng vốn sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.
"Có doanh nghiệp sản xuất nội địa có hàng xuất khẩu gần 100 thị trường trên thế giới gửi cả bộ hồ sơ đến VCCI chia sẻ, họ rất khốn khổ do bị chậm hoàn thuế GTGT. Việc hoàn thuế trục trặc vì ngành Thuế cho rằng một doanh nghiệp trong chuỗi của doanh nghiệp này chuyển trụ sở hay trụ sở không rõ ràng nên họ bị đưa vào diện xét duyệt, phải xác minh thay vì hoàn trước kiểm sau như trước đây. Quá trình xác minh có thể mất rất nhiều tháng và không biết khi nào có thể xong…", ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Theo lãnh đạo VCCI, từng có quy mô xuất khẩu mỗi tháng là 460 tỷ đồng, nhưng hiện hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trên đang bị đình trệ, vì càng xuất khẩu, vốn bị đọng lại lên đến hàng trăm tỷ, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.
Cần quy định rõ thời gian hoàn thuế
Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), theo luật định, cơ quan thuế có trách nhiệm thực hiện hoàn thuế đầy đủ, đúng tiêu chuẩn, đúng nguyên tắc cho doanh nghiệp.
“Thời gian qua, có một số doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành gỗ và một vài ngành khác đã bị phát hiện cố tình gian lận để chiếm dụng tiền hoàn thuế, từ đó các cơ quan quản lý phải có thời gian kiểm tra, xác định lại. Việc này là cần thiết. Tuy nhiên, luật cũng đã nêu rõ thời gian kiểm tra tối đa, nếu trong trường hợp cần thiết phải kéo dài thời gian này thì nhiều nhất là 15 - 20 ngày chứ không thể kéo cả năm. Việc hoàn thuế chậm, cơ quan quản lý thuế phải xem xét, thay đổi và quy định rõ nếu chậm thì được chậm bao lâu?
Song song đó cũng cần quy định, dù đã được hoàn thuế nhưng sau này kiểm tra lại nếu phát hiện việc gian lận, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bị thu hồi tiền hoàn thuế và nộp phạt. Việc này nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đề xuất.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Trong thực tế, các vi phạm về hoàn thuế là có, nhưng không thể vì thế mà để những doanh nghiệp chấp hành tốt phải thiệt hại. Tổng cục Thuế cần sớm giải quyết, nếu không, Chính phủ, Quốc hội phải giải quyết để tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Theo Đại diện Cục Thuế thành phố Hà Nội, thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế, Cục Thuế Hà Nội sẽ hoàn thuế ngay với những hồ sơ đã hợp lệ, còn những hồ sơ rủi ro sẽ tiếp tục nhanh chóng xác minh. Trường hợp nào vướng mắc quá thẩm quyền giải quyết, sẽ báo cáo lên cấp trên. "Chúng tôi xác định có rủi ro thì sẽ đánh giá. Trường hợp nào phải chuyển sang công an thì chuyển, còn trường hợp nào mà khoanh lại được, những nội dung tạm gác lại, chưa hoàn, và những phần nào đã xác định rõ đầy đủ cơ sở pháp lý thì chúng tôi sẽ hoàn cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết.
Mới đây, đoàn công tác của Tổng cục Thuế đã làm việc với Cục Thuế thành phố Hà Nội để rà soát, tháo gỡ những bộ hồ sơ hoàn thuế GTGT còn bị vướng mắc. Qua rà soát, Cục Thuế thành phố Hà Nội hiện có 30 bộ hồ sơ hoàn thuế GTGT còn vướng mắc và bị quá hạn 40 ngày theo quy định. Trong khi đó, hầu hết 30 bộ hồ sơ này đều có những rủi ro về thuế cần phải kiểm tra nhưng các doanh nghiệp lại liên tục xin lùi thời gian kiểm tra, có doanh nghiệp xin lùi tới 8 lần.
"Có những hồ sơ mà cho đến nay qua 4 lần, kéo dài đến gần 6 tháng, nhưng đoàn kiểm tra của Cục Thuế chưa làm được bất cứ công việc gì tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp không cung cấp được bất kỳ hồ sơ nào, lý do là giám đốc vắng, kế toán nghỉ sinh, dưỡng thai…", bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết. Không kiểm tra được cũng đồng nghĩa với việc hồ sơ bị treo và ngành thuế phải đi giải trình. Đại diện Tổng cục Thuế đề nghị: Cục Thuế Hà Nội cần mạnh dạn thẳng thắn từ chối các hồ sơ không hợp lệ và không cung cấp đủ chứng từ.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thuế đã ban hành 8.510 quyết định tương ứng số thuế đã hoàn 61.093 tỷ đồng, bằng 33% so với kinh phí hoàn thuế GTGT năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt. Công tác quản lý hoàn thuế được triển khai, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật của Nhà nước.
Tổng cục Thuế tiếp tục yêu cầu thủ trưởng các đơn vị ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo và phối hợp triển khai công tác quản lý hoàn thuế GTGT theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế; đồng thời, yêu cầu Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm công tác báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Tổng cục về công tác hoàn thuế GTGT tại Công văn số 2099/TCT-KK ngày 26/5/2023, Công văn 2426/TCT-KK ngày 15/6/2023 trước 16h các ngày thứ sáu hàng tuần.
Các Cục thuế tiếp tục tổ chức đối thoại với Hiệp hội, doanh nghiệp có hồ sơ hoàn thuế GTGT tồn đọng kéo dài để làm rõ vướng mắc và chủ động xử lý, giải quyết trong thẩm quyền. Trường hợp vướng mắc vượt quá thẩm quyền phải kịp thời báo cáo Tổng cục Thuế để được hướng dẫn; tăng cường công tác tuyên truyền về hồ sơ, thủ tục hoàn thuế để doanh nghiệp chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị hoàn thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận hồ sơ, tránh hồ sơ chưa đáp ứng thủ tục khi gửi đến cơ quan thuế. Đồng thời, thông báo kịp thời cho người nộp thuế về tiến độ, tình trạng giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT một cách minh bạch, công khai.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các Cục thuế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn đối với quyết định hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau, nhằm kịp thời phát hiện việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp, hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn, trục lợi trong hoàn thuế nhằm chiếm đoạt ngân sách Nhà nước, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
*Clip Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị: