Gia đình bà Đỗ Thị Hồng, tổ dân phố 19/5, thị trấn Nông trường Trần Phú có trên 200 gốc cam. Trước đây, mỗi năm gia đình bà thu nhập khoảng 400 triệu đồng từ trồng cam. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, diện tích cam trên của gia đình bị mắc bệnh nấm, gây vàng lá, thối rễ và không còn khả năng cứu chữa, nên gia đình bà đã phải chặt bỏ toàn bộ diện tích cam bị bệnh.
Bà Hồng chia sẻ, 200 gốc cam của gia đình đã phải chặt hết, cam bị bệnh gây thiệt hại lớn về kinh tế gia đình, trước mắt với diện tích cam đã chặt bà chuyển đổi sang trồng ngô để tạo thu nhập mới, ổn định cuộc sống.
Trước đây, tổ dân phố 19/5 có trên 160 ha đất của người dân được phủ kín bởi hàng ngàn gốc cam, nhưng hiện nay hầu hết diện tích cam này đã bị chặt bỏ. Nguyên nhân cam bị chết được xác định do bệnh nấm gây thối rễ và vàng lá đã lây lan từ hơn 1 năm nay, khiến người dân ở đây hiện nay phải chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.
Theo ông Đặng Văn Trường, Tổ trưởng tổ dân phố 19/5, thị trấn Nông trường Trần Phú, đối với những diện tích cam bị chặt bỏ, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang trồng các cây ăn quả như na, táo, hồng, mít, ổi… và cây lâm nghiệp. Nhiều hộ gia đình khác do không có vốn nên đã đi làm thuê ở địa phương khác để trang trải cho cuộc sống và tạo vốn tiếp tục đầu tư trồng các loại cây khác trên mảnh đất của gia đình.
Bà Trần Thị Loan, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú cho biết, cây ăn quả là cây có giá trị kinh tế cao, người dân nơi đây đã nhiều năm gắn bó với cây ăn quả, khi cam chết đã gây nhiều lo lắng, hoang mang cho bà con. trước đây với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, nhưng hiện nay chỉ với vài chục triệu đồng/năm.
Không chỉ diện tích cam ở thị trấn nông trường Trần Phú bị chặt bỏ mà ở thôn Nông Trường, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, người trồng cam ở đây cũng đang phải chặt bỏ những cây cam bị bệnh.
Xã Thượng Bằng La được biết đến là vùng đất của những triệu phú, tỷ phú cam, với những hộ gia đình có thu nhập lên tới cả tỷ đồng/vụ cam, nhưng hiện nay, toàn xã đã có 15 ha cam bị nhiễm bệnh, người dân đã chặt bỏ 5 ha bị nhiễm bệnh nặng. Mặc dù người dân đã huy động hết khả năng để cứu cam khỏi bệnh nấm, song mọi nỗ lực dường như không mấy hiệu quả, diện tích nhiễm bệnh ngày càng lây lan. Nhiều người dân trồng cam lo lắng, không biết cam chết thì chuyển sang trồng cây gì cho phù hợp.
Ông Hoàng Đình Mưu, Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La cho biết, ngoài diện tích cam bị bệnh phải chặt bỏ, còn nhiều diện tích cam lâu năm già cỗi, xã đã chỉ đạo người dân nên chặt bỏ những diện tích kém hiệu quả sang trồng thay thế các loại cây khác.
Toàn huyện Văn Chấn hiện có trên 1.800 ha cam, quýt tập trung tại 9 xã, thị trấn vùng ngoài của huyện. Từ năm 2017 trở lại đây, trên cây cam, quýt xuất hiện bệnh nấm, gây thối rễ, vàng lá với diện tích nhiễm bệnh khoảng trên 350 ha; trong đó, thị trấn Nông trường Trần Phú 248 ha; xã Minh An 80 ha, xã Thượng Bằng La 15 ha và xã Nghĩa Tâm 10 ha. Bệnh xuất hiện chủ yếu trên diện tích cam từ 10 tuổi trở lên, đặc biệt là gây hại mạnh đối với cam già cỗi. Diện tích cam đã bị chặt bỏ khoảng 147 ha.
Trước thực trạng này, huyện Văn Chấn đang tập trung nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu diện tích cam bị bệnh, tránh gây thiệt hại lớn về kinh tế của người dân. Ông Mai Mộng Tuân, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết, hiện nay huyện đã thực hiện nhiều giải pháp như mời Viện nghiên cứu rau quả để lấy mẫu đất, tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời, mời các phòng, ban của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đến để tư vấn đưa ra những biện pháp.
Trước mắt, huyện yêu cầu các xã vận động nhân dân chuyển đổi diện tích cam bị bệnh sang trồng cây hoa màu, lâm nghiệp, chè để tạo thu nhập mới cho người dân, duy trì cuộc sống ổn định. Khoảng 3 - 4 năm sau, khi đất được cải tạo thì vận động nhân dân trồng cây ăn quả, nhằm phát huy giá trị cây ăn quả.