Theo báo cáo tóm tắt của thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyên, chủ nhiệm đề tài cho thấy, trước khi thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu của trường đã tiến hành khảo sát, điều tra và đánh giá mức độ mối hại rừng chè quy mô 1.000 m2 gồm các nội dung: Điều tra tỷ lệ cây nhiễm mối, tỷ lệ cây chết; xác định khu vực xuất hiện mối nhiều nhất; xác định một số loài hại chính rồi tiến hành đề xuất giải pháp thử nghiệm diệt mối, phòng mối bằng chế phẩm sinh học và một số biện pháp kỹ thuật diệt mối, phòng mối cho 10 cây chè cổ đang bị mối xâm hại của hộ gia đình ông Bùi Văn Cảnh tại thôn Bản Mới, xã Suối Giàng.
Trước khi bước vào hội thảo, các đại biểu cùng các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra hiện trường. Sau 9 tháng thử nghiệm, chế phẩm sinh học từ gừng, tỏi, ớt, lá xoan và một số loài thực vật đã cho hiệu quả cao trong phương pháp diệt, phòng mối mối tại khu vực nghiên cứu.
Kiểm tra toàn bộ khu vực nghiên cứu, khai quật tổ mối cho thấy, các phần cấu tạo tổ mối không có mối hoạt động, đường mối đi trong lòng đất đã giảm đáng kể, cuốc phần đất xung quanh gốc cây không còn thấy mối xuất hiện nhiều như trước, đặc biệt rễ cây đã mọc thêm rất nhiều, cây sinh trưởng phát triển tốt.
Tại hội thảo các đại biểu đều cho rằng kết quả ban đầu cho thấy rất khả quan, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục nghiên cứu một cách căn cơ, bài bản hơn mới có đầy đủ bằng chứng để có thể khẳng định tính hiệu quả của đề tài.
Phát biểu tổng hợp các ý kiến của hội Thảo, ông Giàng A Câu Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho rằng, kết quả của đề tài đã nghiên cứu chính là cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn giúp các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu diệt mối, phòng mối cho cây chè Suối Giàng một cách đồng bộ, an toàn và hiệu quả.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái, huyện Văn Chấn sẽ tiếp tục báo cáo và kiến nghị với UBND tỉnh Yên Bái, Hội Nông dân Việt Nam quan tâm, chỉ đạo, đầu tư để nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tiếp tục nghiên cứu diệt mối, phòng mối cho cây chè Suối Giàng một cách đồng bộ, an toàn và hiệu quả.