Ngành dịch vụ quan trọng
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, thành phố luôn xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế thành phố, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố luôn nhất quán chủ trương phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.
Thành phố tập trung đầu tư nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế lớn trong Vùng đồng bằng sông Hồng, các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển và cảng biển.
Đến nay, hệ thống cảng biển của thành phố gồm 5 khu bến chính với 52 cảng biển thuộc danh mục cảng biển Việt Nam (với 98 cầu, dài khoảng 14.178,5m); nổi bật là Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện có khả năng tiếp nhận tàu container lên tới trên 200.000 DWT. Từ tháng 5/2018, các bến số 1 và 2 của cảng Lạch Huyện đưa vào hoạt động, nâng cao năng lực thông qua hàng hóa của cảng biển Hải Phòng; các bến số 3, 4, 5, 6, 7, 8 đang được đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.
Đại diện của một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics chia sẻ, từ năm 2023, Hải Phòng đã triển khai mô hình "Kết nối thủ tục giấp phép kinh doanh có điều kiện" nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thực hiện đa dạng, đổi mới hình thức hỗ trợ doanh nghiệp nộp được hồ sơ hợp lệ ngay từ lần nộp đầu tiên khi thực hiện thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ bưu chính công ích; ứng dụng tối đa công nghệ số trong giải quyết công việc. Các thủ tục hành chính không cần thiết đã được cắt giảm và giảm đáng kể thời gian làm thủ tục hành chính...
Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, với hàng hóa thông qua cảng ước đạt 300 triệu tấn, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2025 đạt 15,1%/năm. Đến năm 2030, thành phố trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; hàng hóa thông qua cảng ước đạt 600 triệu tấn.
Còn đó thách thức
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45 ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra vào đầu tháng 8 vừa qua, ý kiến của một số đại biểu cho rằng, phát triển logistics tại Hải Phòng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố, chưa phát huy hiệu quả vai trò là một trong những đầu mối logistics quan trọng, kết nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế.
Theo đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, thực tế, đa số doanh nghiệp logistics tại Hải Phòng mới chỉ thực hiện những công đoạn thô, chủ yếu là bốc xếp, kho bãi và vận chuyển đường bộ, nguồn thu từ những công đoạn này thấp, ít tạo giá trị gia tăng, khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài.
Hệ thống các doanh nghiệp cảng, kho bãi, vận tải còn nhỏ lẻ, hoạt động còn thiếu chuyên nghiệp, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh về giá, làm giảm hiệu quả về mặt tổng thể. Hải Phòng vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp logistics đủ lớn về quy mô, về tầm ảnh hưởng đối với các hãng tàu, các nhà sản xuất, xuất nhập khẩu nên mới chủ yếu dừng lại ở mức thu gom hàng thuê cho các hãng nước ngoài. Trong khi đó, thành phố có hơn 30 công ty, tập đoàn logistics đa quốc gia đang hoạt động như ONE, Maersk-line, Mitsui O.S.K line, APL... chiếm tới 75-80% thị phần logistics của Hải Phòng. Đây chính là những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp logistics trong nước phải đối mặt.
Cùng đó, chất lượng dịch vụ logistics chưa được cải thiện nhiều. Tại Hải Phòng, phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ vẫn là chủ yếu (chiếm tỷ trọng tới hơn 80%) trong khi những loại hình vận tải chi phí thấp như đường sắt, đường thủy nội địa chưa phát huy được hiệu quả dẫn đến chi phí cao, làm giảm chất lượng dịch vụ logistics, tiềm ẩn nguy cơ về ùn tắc giao thông. Ngoài ra, nguồn nhân lực logistics hiện tại của Hải Phòng cũng chỉ đáp ứng khoảng 40-45% nhu cầu thị trường.
Chiến lược hình thành chuỗi dịch vụ chuyên sâu, hiện đại
Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải chia sẻ kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về phát triển logistics gắn với chuyển đổi số. Cụ thể, Trung Quốc là một trong những quốc gia có bước tiến lớn trong hoạt động chuyển đổi số. Đối với lĩnh vực logistics, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu chuyển đổi số là một trong những mục tiêu trọng tâm với quan điểm phát triển chung là cải thiện mạng lưới logistics trên cả nước theo hướng hiện đại, xanh và hiệu quả hơn vào năm 2025. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về phát triển kinh tế số (2021 - 2025), Trung Quốc xác nhận sẽ nỗ lực thiết lập hệ thống logistics thông minh với các doanh nghiệp trong ngành có ảnh hưởng và lợi thế cạnh tranh quốc tế...
Từ kinh nghiệm này, ông Phạm Hoài Chung cho rằng, Việt Nam cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số quốc gia cho ngành logistics; đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ mới trong ngành logistics. Các chính sách này cần được thiết kế để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp công nghệ logistics mới trong hành trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp trên con đường phát triển đổi mới sáng tạo.
Theo đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, thành phố Hải Phòng tăng cường thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại; tập trung phát triển, hiện đại hóa cảng biển, dịch vụ logistics; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thành bến cảng còn lại tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện.
Thành phố đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, hình thành các chuỗi dịch vụ logistics chuyên sâu, hiện đại và thông minh. Cùng đó, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng logistics trọng điểm. Đa dạng hóa, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng logistics trọng điểm bằng nhiều cách. Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ logistics, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Cùng với đó, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với trọng tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng công vụ của bộ máy chính quyền sẽ mang lại nhiều cơ hội và góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Hải Phòng thời gian tới.