Chính sách tài khóa - Bài cuối: Rút ngắn khoảng cách tới doanh nghiệp

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều bất lợi, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn chồng khó khăn, các giải pháp về miễn giảm, gia hạn thuế đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã trao đổi với phóng viên TTXVN xung quanh nội dung  làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chính sách này một cách hiệu quả.

Chú thích ảnh
Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Một số chuyên gia nhận định mặc dù các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai nhưng việc tiếp cận và thụ hưởng chính sách này trên thực tế vẫn khó khăn. Vậy Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn này, thưa ông?

Ngay sau khi các giải pháp về miễn giảm, gia hạn thuế được ban hành, Tổng cục Thuế đã khẩn trương ban hành các Công điện gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai thực hiện chính sách, giúp người dân, doanh nghiệp thuộc đối tượng có thể sớm tiếp cận và thụ hưởng chính sách.

Với quy định về hồ sơ đơn giản, trình tự thủ tục rút gọn như hiện nay đã giúp người nộp thuế tiếp cận và thụ hưởng các chính sách tài khóa một cách dễ dàng và hiệu quả. Trường hợp địa phương có vướng mắc trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã kịp thời có văn bản hướng dẫn để địa phương thực hiện.

Đối với giải pháp về giảm thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 101/2023/QH15 để tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, Tổng cục Thuế đã thông báo cho các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử (tổ chức nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử và tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử) về việc sẵn sàng nâng cấp giải pháp hóa đơn điện tử và nâng cấp các mẫu biểu kê khai thuế giá trị gia tăng. Ngay sau khi nghị định được ban hành, Tổng cục Thuế đã ban hành Công điện số 05/CĐ-TCT của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ngày 30/6/2023 để chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tuyên truyền, phổ biến cho người nộp thuế trên địa bàn để kịp thời thực hiện Nghị định số 44/2023/NĐ-CP.

Trước đó, trong quá trình thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các Cục Thuế đã có nhiều văn bản hướng dẫn về việc xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế và việc lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế. Do đó, trong 1 tháng triển khai Nghị định số 44/2023/NĐ-CP vừa qua, Tổng cục Thuế ghi nhận được ít vướng mắc phát sinh hơn so với khi triển khai thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách tài khóa về tiền thuê đất rõ ràng và rút gọn thủ tục tối đa để doanh nghiệp có thể tiếp cận chính sách hiệu quả hơn.

Thưa ông, việc triển khai các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp mang lại những kết quả như thế nào?

Thời gian qua, các giải pháp về miễn giảm, gia hạn thuế đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, hết 8 tháng của năm 2023, kết quả giảm thuế giá trị gia tăng do giảm thuế suất từ 10% xuống 8% của một số hàng hóa ước tính khoảng 5.460 tỷ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường ước tính khoảng 28.941 tỷ đồng; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ khoảng 3.464 tỷ đồng; giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước của Chính phủ khoảng 1.377 tỷ đồng.

Ngoài ra, kết quả số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn trong 8 tháng của năm 2023 ước tính gần 87.222 tỷ đồng; thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt ước tính số tiền thuế khoảng 2.504 tỷ đồng; số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt còn được gia hạn khoảng 2.504 tỷ đồng.

Vậy Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang thực hiện các giải pháp gì để đảm bảo nguồn thu ngân sách trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, thưa ông?

Để đảm bảo nguồn thu ngân sách trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, trong thời gian còn lại của năm 2023, để đạt được kết quả thu ngân sách cũng như tiếp tục đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế, Tổng cục Thuế tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính cũng như của Trung ương. Đặc biệt trong hội nghị ngành tài chính sơ kết tài chính ngân sách 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành thuế tiếp tục bám sát các hoạt động kinh tế - xã hội các địa phương để kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế.
 
Bên cạnh đó, ngành thuế tiếp tục triển khai có hiệu quả các gói hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ cũng như chỉ đạo của Bộ Tài chính. Với các chức năng quản lý thuế, chúng tôi tập trung bao quát nguồn thu, chống xói mòn cơ sở thuế cũng như thực hiện nghiêm túc việc chống thất thu, thu hồi nợ đọng và mở rộng các nguồn thu từ những lĩnh vực mới như thương mại điện tử và giảm thiểu rủi ro trong việc sử dụng hóa đơn điện tử.
 
Tổng cục Thuế sẽ tập trung thực hiện tốt các chức năng quản lý thuế và đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế hoạt động sản xuất kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nộp thuế.

Xin cảm ơn ông!

Thùy Dương/TTXVN (Thực hiện)
Chính sách tài khóa - Bài 3: Doanh nghiệp gỗ mong sớm được hoàn thuế VAT
Chính sách tài khóa - Bài 3: Doanh nghiệp gỗ mong sớm được hoàn thuế VAT

Do gỗ và các sản phẩm từ gỗ thuộc diện những mặt hàng rủi ro cao trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) nên hơn một năm qua, nhiều doanh nghiệp trong ngành này có số tiền thuế lên đến cả trăm tỷ đồng chưa được hoàn thuế. Trong khi xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đang rất khó khăn, các doanh nghiệp mong các ngành chức năng sớm đẩy nhanh các thủ tục để có vốn xoay xở và hỗ trợ người lao động trong bối cảnh khan hiếm đơn hàng.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN