Những khó khăn của kinh tế năm 2011 dự báo sẽ vẫn tồn tại và kéo dài tới cuối năm 2012 nếu như Việt Nam không có những giải pháp tích cực để tháo gỡ. Để góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế, tài chính ngân hàng đã đưa ra các nhận định và giải pháp tại Hội thảo khoa học “Chính sách tài khóa ổn định kinh tế vĩ mô” do Học viện Tài chính tổ chức ngày 21/12 tại Hà Nội.
Thiết lập cơ cấu thu NSNN bền vững
Theo TS. Vũ Nhữ Thăng và Ths. Hoàng Thị Minh Hảo (Viện Chiến lược và chính sách tài chính - Học viện Tài chính), bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được như: Quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trong vòng 10 năm qua đạt 7,2%, bình quân đầu người đạt khoảng 1.200 USD/năm đã góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, nền tài chính Việt Nam vẫn cần phải điều chỉnh để khắc phục hạn chế, hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững.
Giao dịch cho vay tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB). Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Đại diện Viện Chiến lược và chính sách tài chính (CL&CSTC) cho biết: Những năm gần đây mức độ thâm hụt ngân sách Nhà nước (NSNN) thường xuyên ở mức cao, trong đó đáng lưu ý là sự kéo dài tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả của khu vực công. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã làm cho nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Để đối phó tình trạng này, TS Thăng cho rằng: Việc tái cấu trúc căn bản toàn bộ nền kinh tế, trong đó tái cấu trúc nền tài chính quốc gia được nhìn nhận là giải pháp mang tính đột phá. Để thực hiện thành công tái cấu trúc tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và dân cư, thì phải đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính quốc gia.
Chia sẻ vấn đề này, TS.Phạm Tiến Đạt (Học viện Ngân hàng) kiến nghị chính sách tài khóa của Việt Nam trong thời gian tới phải cân đối thu chi ngân sách, giảm dần bội chi ngân sách bằng cách hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán, ứng trước dự toán chi đầu tư năm sau để đảm bảo việc bố trí và điều hành ngân sách, giảm áp lực lạm phát và tăng dư nợ công, thực hiện nguyên tắc sử dụng linh hoạt các nguồn vốn.
Theo Viện CL&CSTC, cần phải sử dụng hiệu quả ưu thế và vai trò của thuế trong sự kết hợp chặt chẽ với các đòn bẩy tài chính khác. “Cải cách chính sách thu ngân sách của Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 cần hướng tới điều chỉnh lại cấu trúc nguồn thu một cách ổn định và bền vững, tập trung hoàn thiện một số sắc thuế chủ đạo như thu nhập doanh nghiệp, cá nhân, giá trị gia tăng, nhà và đất; đồng thời tăng dần cơ cấu thu nội địa trong tổng thu NSNN để đạt khoảng 70% vào năm 2015”, cán bộ Viện CL&CSTC nói.
Nên có cơ chế giám sát đầu tư công
TS. Nguyễn Ngọc Tuyến– Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính chia sẻ: Với vai trò là công cụ mạnh, chính sách tài khóa năm 2012 sẽ thực hiện theo xu hướng thắt chặt và tập trung cho thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Đặc biệt là chi cho đầu tư công sẽ tiếp tục được cắt giảm mạnh và có chọn lọc.
Ông Tuyến nói: “Cắt giảm đầu tư công sẽ giúp giảm nợ công và tiến tới giảm bội chi NSNN. Giải pháp này được thực hiện theo lộ trình dài hạn và tiến tới giảm tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội”.
Theo Viện Kinh tế tài chính, việc cắt giảm đầu tư công rất khó khăn do nhu cầu thực tế về vốn đầu tư phát triển cao tại các địa phương đơn vị. Trong khi đó, các tiêu chí hướng dẫn việc này lại chưa rõ ràng. Vì vậy, các địa phương, doanh nghiệp thường tự thẩm định, cắt, giảm hoặc điều chỉnh vốn đầu tư trong phân cấp quản lý của mình… khiến cho việc đánh giá thiếu tính khách quan.
Do vậy, để cắt giảm đầu tư công hiệu quả, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Cần cụ thể hóa tiêu chí, các dự án đầu tư công cần cắt giảm và có bước cải cách mạnh mẽ trong khâu thẩm định, ra quyết định đầu tư. Ngoài ra, cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp mang tính chiến lược khác như: Khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng và thực hiện Đề án “Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước”; xóa bỏ cơ chế bao cấp qua đầu tư từ ngân sách cho các hoạt động kinh doanh của các DNNN; hoàn thiện hệ thống pháp lý, sớm ban hành Luật Đầu tư công, đổi mới quản lý đầu tư công, thực hiện giám sát chặt chẽ từng khâu của quá trình đầu tư. Trách nhiệm cá nhân của người ra quyết định đầu tư cũng cần được làm rõ và có quy chế thực hiện.
Minh Phương