Chủ động cắt giảm chi phí sản xuất lúa gạo

Giá phân bón, vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, trong khi giá lúa có xu hướng giảm đang là thách thức lớn mà ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam nói chung, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng phải đối mặt hiện nay.

Để giảm chi phí sản xuất, các địa phương cần hướng dẫn nông dân chủ động cắt giảm lượng giống, phân bón và áp dụng các kỹ thuật canh tác đã được khuyến cáo một cách hiệu quả. Đây là nội dung được các chuyên gia nhấn mạnh tại Diễn đàn trực tuyến giảm giá thành sản xuất lúa do Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Cục Trồng trọt tổ chức, ngày 19/8.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa Hè Thu trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Chi phí sản xuất tăng cao

Thời gian qua, người sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng thường xuyên phản ánh giá phân bón và các loại vật tư nông nghiệp tăng cao khiến chi phí sản xuất gia tăng. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc thu hoạch, tiêu thụ lúa gạo gặp khó khăn, giá lúa gạo hiện đang có xu hướng giảm.

Ông Trương Tiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang thông tin, từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón, vật tư nông nghiệp liên tục tăng, trong khi đó tình hình tiêu thụ lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn, giá lúa vụ Hè Thu hiện nay đang giảm.

Cụ thể, giá lúa hiện nay chỉ ở mức 5.000 đồng/kg; trong đó chi phí đầu tư, sản xuất đã chiếm 4.200 - 4.300 đồng/kg, chưa kể các chi phí phát sinh thêm do dịch COVID-19 như test nhanh, xét nghiệm khiến nông dân trồng lúa hầu như không có lãi.

Trong khi đó, ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, ước tính giá các loại phân bón đã tăng hơn 40% so với trước, trong khi đó việc tiêu thụ lúa khá bấp bênh. Phần lớn thương lái ký hợp đồng thu mua lúa gạo cho Trà Vinh đều ở ngoại tỉnh, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên rất khó di chuyển để thu mua kịp thời. Một yếu tố khác khiến chi phí sản xuất lúa ở Trà Vinh cao là do nông hộ chủ yếu sản xuất diện tích nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung, rất khó ứng dụng cơ giới hóa vào gieo trồng lẫn thu hoạch.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, so với vụ lúa Hè Thu năm 2020, giá thành sản xuất lúa Hè Thu năm 2021 ở 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều tăng khoảng 200 đồng/kg, trung bình ở mức 3.728 đồng/kg. Trong đó, ở một số tỉnh có giá thành sản xuất lúa rất cao như Bến Tre là 4.7 đồng/kg, Trà Vinh là 4.500 đồng/kg, An Giang gần 4.200 đồng/kg.

Theo phân tích của ông Lê Thanh Tùng, trong cơ cấu giá thành sản xuất lúa thì giống chiếm 9%, phân bón chiếm 22%, thuốc bảo vệ thực vật chiếm 16%, lao động 28%... Do đó, khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư đầu vào tăng sẽ kéo theo giá thành sản xuất tăng.

Trong khi đó, giá lúa gạo không chỉ phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ nội địa mà còn chịu ảnh hưởng lớn bởi giá lúa gạo thế giới. Hiện nay, giá gạo của các quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thị trường đều đang giảm. Nếu như đầu tháng 7, giá gạo 5% trên thế giới có giá trên 400 USD/tấn thì hiện tại đều ở mức 0 USD/tấn.

“Khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phần khác do giá gạo trong nước cao khiến doanh nghiệp xuất khẩu khó cạnh tranh, đàm phán đơn hàng. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo, nếu giá lúa gạo trong nước cao hơn trung bình các nước khác thì doanh nghiệp rất khó để thu mua lúa gạo cho nông dân.”, ông Tùng chia sẻ thêm.

Chủ động cắt giảm giống và phân bón

Các chuyên gia cho rằng, việc hạ giá thành sản xuất lúa không chỉ có ý nghĩa, gia tăng lợi nhuận đối với nông dân mà còn giúp ngành lúa gạo Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh và thuận lợi hơn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu.

Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long phân tích, trong thực tế sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, giá vật tư nông nghiệp đầu vào gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiện chiếm tới 63,6% tổng chi phí. Thời gian qua, đã có nhiều mô hình sản xuất áp dụng giảm lượng giống, đồng thời kéo giảm được lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn cho năng suất tương đương với kỹ thuật canh tác thông thường. Khi đó, giá thành sản xuất giảm, nông dân đạt được lợi nhuận tốt hơn.

Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, vẫn còn rất nhiều nông dân sản xuất dưa trên kinh nghiệm và sự ước chừng, có tâm lý sử dụng lượng giống nhiều hơn mật độ tối ưu và bón phân chưa khoa học khiến tỷ lệ thất thoát dinh dưỡng cao, làm tăng chi phí.

“Trên thực tế, nếu bón phân theo cách thủ công thông thường, cây trồng chỉ hấp thụ được khoảng 50% hàm lượng dinh dưỡng, phần còn lại đều bị bốc hơi mất. Trong khi đó, nếu áp dụng kỹ thuật vùi phân có thể tăng tỷ lệ được hấp thụ lên 80%, vừa giảm lượng phân bón thực tế nhưng vẫn đạt được hiệu quả. Trong bối cảnh giá nhiều loại phân bón đang tăng cao, các địa phương nên khuyến cáo nông dân giảm lượng phân đạm, kali trong 1 - 2 vụ, thực hiện bón vôi khi xới đất vẫn đảm bảo năng suất cho cây lúa mà chi phí lại giảm đáng kể.”, Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch nêu giải pháp.

Cùng quan điểm, ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty cổ phần phân bón Bình Điền cho rằng: Giá phân bón tăng cao đang là bất lợi cho ngành sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nông dân chưa biết cách sử dụng phân bón, nhất là khi giá lúa cao sẽ có tâm lý bón “vô tội vạ” để đẩy năng suất lên.

Theo ông Phan Văn Tâm, giá phân bón thời gian tới vẫn chư có dấu hiệu hạ nhiệt do nguồn nguyên liệu nhập khẩu và chi phí logistics đều tăng. Vì vậy, để cắt giảm giá thành các đơn vị khuyến nông địa phương cần hướng dẫn nông dân cách sử dụng phân bón khoa học, tiết kiệm nhưng vẫn đạt được hiệu quả cần thiết. Việc sử dụng phân bón và vật tư nông nghiệp hợp lý còn giúp nông dân cắt giảm được các chi phí phát sinh như dịch vụ vận tải, nhân công lao động, từ đó hạ giá thành sản xuất.

Trong khi đó, ông Trịnh Hoàng Việt, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Long An cho rằng, thời gian qua ngành trồng trọt đã triển khai rất nhiều mô hình canh tác kỹ thuật như “1 phải - 5 giảm” (Phải sử dụng giống lúa cấp xác nhận hoặc nguyên chủng; giảm lượng hạt giống gieo trồng, giảm phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch), “3 giảm - 3 tăng” (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu - tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả), “cánh đồng lớn”, thúc đẩy cơ giới hóa nhưng do thực hiện chưa đồng đều nên hiệu quả giảm giá thành chưa cao.

Vì vậy, để cắt giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh bền vững cho ngành lúa gạo, ông Việt lưu lý cán bộ khuyến nông cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hành canh tác đúng kỹ thuật, phát huy tối đa hiệu quả của phân bón, vật tư nông nghiệp. Song song đó, phải đảm bảo có nguồn giống chất lượng cao, quản lý tốt đồng ruộng và nguồn nước tưới tiêu.

Xuân Anh (TTXVN)
Tháo gỡ nút thắt vận hành chuỗi thu mua lúa gạo
Tháo gỡ nút thắt vận hành chuỗi thu mua lúa gạo

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 820.000 ha lúa Hè Thu với năng suất đạt 56,7 tạ/ha, sản lượng 4,645 triệu tấn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN