Vụ Đông Xuân 2023 - 2024, ông Ngô Hữu Sự (xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) gieo sạ trên 2 ha lúa. Hiện cây lúa đang trong giai đoạn phát triển và chuẩn bị làm đòng, trổ bông. Tuy nhiên, tình trạng chuột cắn phá lúa diễn ra trong nhiều ngày qua khiến ông hết sức lo lắng, nguy cơ chết cây và giảm năng suất khi thu hoạch.
Để chủ động phòng chống tình trạng chuột phá lúa, ông Sự tiến hành tìm bắt chuột theo phương pháp thủ công, dùng bao vây quanh ruộng, dùng thuốc và căng dây thép bẫy chuột. Ngoài ra, ông còn bắt ốc bưu vàng và trị bệnh đậu ôn nhằm giúp cây lúa phát triển tốt; hy vọng khi thu hoạch, lúa đạt năng suất từ 70 - 90 tạ/ha.
Tình trạng chuột phá lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024 cũng diễn ra tại huyện Phú Hòa, huyện Tây Hòa, thị xã Đông Hòa, thành phố Tuy Hòa. Theo nhiều người dân, năm 2023 không có lụt lớn nên chuột sinh sản nhanh ở hầu khắp các cánh đồng, cắn phá lúa đang trong giai đoạn phát triển.
Bà Nguyễn Thị Hoa (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) cho biết, chuột cắn phá hầu hết diện tích lúa Đông Xuân của gia đình. Thời gian đầu, bà dùng bao ni lông cắm trên ruộng để chuột sợ không vào phá lúa nhưng sau đó chuột lại tràn vào. Nhiều diện tích lúa đang trong giai đoạn làm đòng bị chuột cắn phá dẫn đến đứt gốc, chết cây. Vừa ăn Tết xong, bà lại triển khai giải pháp tìm diệt chuột để giảm thiểu thiệt hại năng suất cây lúa.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, chuột là đối tượng gây hại thường xuyên trên đồng ruộng và rất khó phòng trừ. Những năm gần đây không có lũ lớn nên chuột sinh sôi nhiều, cắn phá, gây hại mùa màng. Để ngăn chặn nạn chuột phá hại ruộng lúa, ngay từ đầu vụ, các hợp tác xã trên địa bàn đều phát động phong trào ra quân diệt chuột; đồng thời hỗ trợ nông dân mua thuốc, đặt bẫy diệt chuột.
Tại các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Tây Hòa, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, bệnh khảm lá virus gây hại trên cây sắn xuất hiện ở giai đoạn đang hình thành lá đến kỳ thu hoạch. Sau Tết, người dân đã chủ động phòng, chống nhiễm bệnh khảm lá để không ảnh hưởng năng suất cuối vụ.
Ông Trần Văn Tám (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân) cho biết, vụ sắn năm nay ông trồng hơn 1 ha. Cây sắn đang trong giai đoạn phát triển thì bệnh khảm lá xuất hiện khiến cây cằn cọc, héo ngọn, rũ lá. Ông phải nhổ bỏ cây bị bệnh để tránh lây lan sang cây khác; đồng thời dọn sạch cỏ dại, bón phân và thuốc để cây sinh trưởng tốt, đảm bảo cho ra củ.
Thời tiết từ trước Tết Nguyên đán đến nay thuận lợi khiến cho sâu bệnh xuất hiện trên nhiều loại cây trồng khác như ngô, mía, rau ăn lá… Do vậy, sau Tết, nông dân tỉnh Phú Yên tập trung ra đồng diệt trừ sâu bệnh, chăm sóc cây để đảm bảo năng suất, sản lượng và chất lượng sau khi thu hoạch.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, vụ Đông Xuân 2023 - 2024, nông dân trong tỉnh gieo sạ hơn 26.600 ha lúa, gần 25.000 ha mía, 26.000 ha sắn... Hiện cây lúa trong giai đoạn bắt đầu đẻ nhánh, làm đòng nhưng bị ốc bươu vàng, chuột phát sinh gây hại. Cây rau ăn lá các loại, ngô, sắn, mía… thường gặp các bệnh sương mai, bọ nhảy, sâu keo, bệnh khảm lá virus, đốm lá.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên Nguyễn Văn Minh thông tin, những ngày trước Tết Nguyên đán, Chi cục đã ban hành công văn hướng dẫn các địa phương chăm sóc và phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng; đồng thời thường xuyên cử cán bộ và phối hợp các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng để kịp thời hướng dẫn nông dân biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại, đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Cơ quan chuyên môn tỉnh Phú Yên cũng đang triển khai cho người dân trồng đại trà các giống lúa, sắn, mía… vừa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương vừa chống chịu được các loại sâu bệnh. Các địa phương trong tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động nông dân biện pháp phòng chống sâu bệnh gây hại, chăm sóc cây trồng để tăng năng suất, sản lượng cao khi thu hoạch.