Tuy nhiên, theo khuyến cáo từ Bộ Công Thương, nếu doanh nghiệp nắm bắt kịp thời và chủ động ứng phó sẽ không còn là rào cản lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Đối mặt với rủi ro
Là ngành hàng nằm trong nhóm xuất khẩu chủ lực, thời gian qua ngành thủy sản Việt Nam đã trải qua 18 kỳ rà soát thuế chống bán phá giá với cá tra, basa và 16 kỳ rà soát chống bán phá giá đối với tôm nước ấm.
Trong các lần rà soát, có những kỳ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và tôm của Việt Nam được hưởng mức thuế suất thấp từ 0 - 1% nhưng ngược lại, không ít doanh nghiệp đã phải chịu thuế suất cao. Tới đây, nguy cơ này còn lớn hơn khi xuất khẩu không ngừng tăng trưởng nhờ vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia.
Thống kê cho thấy, mặc dù dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế nhưng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm 2021 vẫn đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2020. Tuy nhiên, đây lại là một trong những ngành phải đối diện với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra sớm nhất.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giai đoạn đầu ngành thủy sản còn bỡ ngỡ do các vụ kiện và gặp nhiều bất lợi trong các lần thực hiện hiện rà soát của thị trường nhập khẩu. Thế nhưng, "ngã ở đâu đứng dậy ở đó", cộng đồng doanh nghiệp ngành thủy sản qua đây đã sớm rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để chủ động ứng phó.
Cũng trong tiến trình hội nhập của nền kinh tế, cơ hội để ngành gạch men ốp lát phát triển, tăng trưởng xuất khẩu là rất lớn. Dù vậy, đây cũng là lĩnh vực sẽ phải đối diện nhiều hơn nguy cơ điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ các thị trường.
Ông Đinh Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam cho biết, việc xuất khẩu ra thế giới là bước tiến lớn của ngành gạch men ốp lát Việt Nam. Tuy nhiên, mặt hàng này đã và đang đối diện với thách thức lớn trước các biện pháp phòng vệ thương mại từ thị trường xuất khẩu như Philippines, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc)...
“Mặc dù việc bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là điều mà ngành đã xác định trước nhưng đây là vấn đề mới, kinh nghiệm ứng phó còn ít khiến nhiều vụ việc doanh nghiệp và ngành sản xuất gặp không ít khó khăn, lúng túng”, ông Đinh Quang Huy trải lòng.
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương vừa công bố danh sách 11 nhóm sản phẩm xuất khẩu có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; trong đó, cả 11 sản phẩm này đều xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Cụ thể, danh sách cập nhật đến tháng 11/2021 mà Bộ Công Thương đưa ra gồm 4 sản phẩm gỗ có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp phòng vệ thương mại.
Thêm vào đó, các mặt hàng khác là đá nhân tạo, gạch men, xe đạp điện, vỏ bình ga, ghim đóng thùng, pin năng lượng mặt trời và thép carbon chống ăn mòn.
Chủ động ứng phó
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Phạm Châu Giang-Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho hay: Tính đến hết tháng 12/2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 209 vụ việc điều tra. Riêng trong năm 2021 có 8 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng, bên cạnh nhiều vụ việc cũ đang tiếp tục điều tra và các vụ việc rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ.
Theo bà Phạm Châu Giang, qua kinh nghiệm ứng phó các vụ kiện của nước ngoài với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, việc cảnh báo sớm cho doanh nghiệp về các nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại đóng vai trò quan trọng đối với thành công trong các vụ kiện. Bởi, thông thường khi các nước ra thông báo điều tra chỉ trong thời gian rất ngắn nhưng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin lại rất lớn.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại.
Hiện nay, định kỳ hàng quý, Cục Phòng vệ thương mại đều cập nhật và thông báo công khai danh sách cảnh báo để các cơ quan chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác định hướng cụ thể, chuẩn bị trước cho khả năng bị nước ngoài tiến hành điều tra phòng vệ thương mại.
Tuy nhiên, để chủ động ứng phó, bà Phạm Châu Giang khuyến cáo doanh nghiệp cần trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật, quy định phòng vệ thương mại trong các FTA giữa Việt Nam và các đối tác; dự trù thuê luật sư khi cần thiết; xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ, sổ sách đầy đủ và rõ ràng.
Trường hợp bị khởi xướng điều tra, cần xem xét tham gia vụ việc một cách tích cực bằng cách trả lời bản câu hỏi đúng thời hạn, hợp tác với cơ quan điều tra nước ngoài, tránh việc bị cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu sẵn có khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc.
Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án về nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới và Đề án về nâng cao năng lực phối hợp trong phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế rủi ro.