Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tới đây Cục sẽ xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước cũng như tham gia một cách tích cực, trách nhiệm trong cơ chế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Theo ông Chu Thắng Trung, những dấu ấn trong xây dựng, thực thi chính sách về phòng vệ thương mại là bước tiến rất lớn nhưng tới đây đòi hỏi phải xây dựng khung khổ chính sách, pháp luật mới về phòng vệ thương mại.
Điều này nhằm phù hợp với các quy định tại các FTA mà Việt Nam đã tham gia, giúp các ngành sản xuất chống chọi tốt hơn trước các diễn biến của thị trường quốc tế.
Bởi đây là lĩnh vực phức tạp, thường xuyên xuất hiện những vấn đề mới, đòi hỏi chuyên môn sâu về pháp luật và tài chính, kỹ thuật; một số thị trường gia tăng xu thế bảo hộ và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại không phù hợp…
Hiện tại, về cơ bản hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại đã được hoàn thiện cùng Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành.
Ngoài ra, hàng loạt Đề án, Nghị quyết, Chương trình hành động lớn trong lĩnh vực phòng vệ thương mại gắn với việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng đã được Cục chủ trì xây dựng, báo cáo trình cấp có thẩm quyền ban hành và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện.
Đáng chú ý, năm 2021, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA).
Đây là bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các cam kết quốc tế; sử dụng hiệu quả các quy định về phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước và lợi ích người tiêu dùng.
Đến nay, Việt Nam đã ứng phó tổng cộng là 208 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thế mạnh như thủy sản, sắt thép, dệt may, gỗ.
Ở chiều ngược lại, Bộ Công Thương cũng đã điều tra, áp dụng 23 biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam với nhiều mặt hàng như sắt thép, đường, sợi, phân bón… Qua đó, đã tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các ngành sản xuất trong nước.
Đặc biệt, giai đoạn 2022-2025, Bộ Công Thương sẽ rà soát tổng thể văn bản pháp luật trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, từ đó đề xuất sửa Luật Quản lý ngoại thương hoặc xây dựng Luật Phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, để tận dụng hiệu quả các FTA mà Việt Nam tham gia, ngoài Thông tư số 14/TT-BCT hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) ban hành năm 2021, hiện Bộ Công Thương đã xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) về phòng vệ thương mại cũng mới ban hành trong tháng 3 này.