Ông Joachim Nagel nêu rõ: "Tỷ lệ lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ không tự giảm đi. Chính sách tiền tệ được đưa ra cần hướng tới những yêu cầu giảm lạm phát thông qua các hành động kiên quyết".
Ông Nagel cũng công bố mức dự báo về lạm phát cao hơn đáng kể đối với nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU). Các dự báo mới nhất của Bundesbank cho thấy tỷ lệ lạm phát hằng năm của Đức tăng lên 7,1% trong năm 2022, cao hơn đáng kể so với mức 3,6% đưa ra trong một dự báo hồi tháng 12/2021. Ông Nagel cảnh báo: "Lạm phát năm nay thậm chí sẽ còn mạnh hơn so với những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước".
Theo dự báo của Bundesbank, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Đức sẽ chỉ đạt 1,9% trong năm nay, giảm mạnh so với mức dự báo 4,2% đưa ra trước đó. Ngân hàng này cũng dự kiến lạm phát của Đức sẽ đạt 4,5% vào năm 2023 và 2,6% vào năm 2024 - cao hơn mức dự báo trước đó là 2,2% cùng cho cả hai năm này.
Giống như tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, giá tiêu dùng tại Đức đã bị đẩy lên cao do xung đột của tại Ukraine và sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng ở châu Á, đặc biệt là chi phí dành cho năng lượng đã tăng vọt.
Trong ngày 9/6, ECB đã công bố kế hoạch về tăng lãi suất trong trong những tháng tới, nhằm hưởng ứng các nỗ lực kiềm chế lạm phát mà các ngân hàng trung ương khác đang tiến hành.
ECB dự định tăng lãi suất cơ bản lên 25 điểm cơ bản vào ngày 21/7 tới. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB trong hơn 10 năm qua. Ngân hàng này cũng để ngỏ khả năng tiếp tục đưa ra mức tăng lãi suất thậm chí còn lớn hơn vào tháng 9 tới.