Năm 2019 đến cũng là lúc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực. Xin ông cho biết các doanh nghiệp (DN) trong ngành da giày - túi xách đã chuẩn bị cho CPTPP như thế nào?
Chúng ta đã trải qua một giai đoạn gọi là "trào lưu TPP" trước đây, đã có sự đầu tư cho công nghiệp phụ trợ. Sau khi Tổng thống Mỹ quyết định rút khỏi TPP thì sự chuẩn bị đó tại Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn.
Khi các nước chính thức kí CPTPP, chúng ta chỉ cần vận hành lại những sự chuẩn bị trước đây. Nếu năm nay chúng ta tham gia được Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) nữa thì chúng ta có cơ hội đưa tổng kim ngạch xuất khẩu không chỉ 250 tỷ USD mà tăng lên 300 tỷ USD vào năm 2019 – 2020.
Sự chuẩn bị không phải chỉ của DN Việt Nam mà nó là một chuỗi của các DN quốc tế mà lâu nay họ đã sẵn sàng tham gia để hưởng lợi thế Việt Nam có được. Đây cũng là lợi thế của DN Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Các ngành công nghiệp phụ trợ đã chuẩn bị sẵn sàng. Nguồn nhân lực cán bộ quản lý trực tiếp, các chuyên viên về khoa học công nghệ đã làm chủ được tình thế. Đây là "mỏ neo" vững cho các ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong 10 năm tới.
Việc đáp ứng yêu cầu nội địa hóa nguồn nguyên phụ liệu được chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
Hiện nay chúng tôi đã chủ động được gần 60% trong thị trường nội địa. Nếu với cú hích là các cơ chế chính sách của Thủ tướng thành hiện thực, Việt Nam có các trung tâm tích hợp triển lãm, kho vận, logistics để giảm chi phí, tạo đầu ra cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ thì chúng ta có thể nâng tỷ lệ nội địa lên 10% nữa. Con số này là tuyệt vời cho ngành công nghiệp giày da Việt Nam.
Khả năng đáp ứng các quy định xuất xứ trong CPTPP hay các Hiệp định thương mại tự do phụ thuộc vào ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện nay, quy định xuất xứ vào Mỹ đối với ngành giày và 11 nước tham gia CPTPP chủ yếu là nguyên liệu chính (gồm đế, nguyên liệu mũ giày) phải đảm bảo trên 50% sản xuất tại Việt Nam hoặc trong các nước thành viên tham gia hiệp định.
Gốc rễ của vấn đề là đa số các nước đều phải đầu tư trung tâm triển lãm, logistics, nghiên cứu phát triển, thương mại để các ngành công nghiệp phụ trợ có một sân chơi chung. Việt Nam chưa có những trung tâm tích hợp như vậy, chủ yếu làm triển lãm mà chưa có trung tâm nghiên cứu về phát triển. Đó là điểm yếu của chúng ta.
Tôi tin sau cuộc họp của Thủ tướng sẽ có Nghị quyết về công nghiệp hỗ trợ. Hiệp hội sẽ phối hợp với các bên liên quan để có được những trung tâm như thế.
Với CPTPP, ông đánh giá thế nào về cơ hội của Việt Nam với các thị trường thành viên trong khối?
Nếu Hiệp định có hiệu lực thì thuế xuất hàng vào các nước tự động giảm xuống 5% tùy theo mã hàng. Đó là lợi thế của ta so với Trung Quốc. Từ thuế đó cùng với quá trình chuẩn bị về xuất xứ nguyên phụ liệu thì chúng ta có đầy đủ điều kiện và lợi thế so sánh với các đối thủ cạnh tranh trong châu Á cùng sản xuất mặt hàng giày dép.
Các DN trong nước ngày càng tìm ra nhiều cơ hội thị trường và lợi nhuận từ việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Sự chuẩn bị trong 5 năm trước bây giờ thể hiện bằng con số. Giá trị gia tăng của các DN trong nước ngày càng tăng lên. Tính về giá trị tuyệt đối thì chưa thể vượt được DN FDI nhưng đã cao lên. Trước thì DN FDI áp đảo, chiếm đến 81%, nay còn 79%.
Ông đánh giá bối cảnh thế giới những năm tới sẽ tác động như thế nào tới ngành giày da Việt Nam?
Trong 3 năm đầu nếu Mỹ vẫn tiếp tục áp thuế với ngành da giày của Trung Quốc thì Việt Nam có lợi, đơn hàng dồn về nhiều. Nhưng 3 năm sau nếu DN Trung Quốc di chuyển sang Việt Nam, theo điều luật thương mại quy định DN các nước bị đánh thuế sang đây để né tránh thuế thì có thể Việt Nam bị vạ lây.
Do đó, thời cơ và thách thức luôn đi liền nhau. DN phải chủ động nắm bắt cơ hội.
Xin cám ơn ông!