Theo đó, TKV đã xây dựng được mối quan hệ với các nhà sử dụng alumin, nhôm và các Công ty thương mại quốc tế lớn, đang giữ vai trò quan trọng trong thị trường xuất nhập khẩu alumin/nhôm để có thể tiêu thụ hoàn toàn khối lượng alumin, nhôm trong thời gian tới.
Cùng với đó, về vốn đầu tư TKV cho hay, trong những năm qua, TKV thực hiện tốt việc bảo toàn, phát huy hiệu quả nguồn vốn nhà nước, hàng năm sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao. Hiện nay, tổng tài sản công ty mẹ - TKV đạt hơn 85.000 tỷ đồng, cộng với nguồn thu từ trích khấu hao hằng năm bình quân khoảng 6.000 tỷ đồng và khoản trích quỹ đầu tư phát triển hàng năm khoảng 1.500 tỷ đồng.
Mặt khác, TKV đã báo cáo Chủ sở hữu cho phép tăng vốn điều lên đến hết năm 2025 từ 35.000 tỷ đồng lên 42.000 tỷ đồng và tăng lên 49.500 tỷ đồng trước năm 2030. Đồng thời, đã làm việc với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước chuẩn bị nguồn vốn, đảm bảo đủ thu xếp vốn triển khai các dự án bauxit - alumin - nhôm.
Liên quan đến việc chuẩn bị về nguồn điện cung cấp cho nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông 2, hiện nay, TKV đã có 7 nhà máy điện đang hoạt động gồm: 6 nhà máy nhiệt điện (Đông Triều, Cẩm Phả, Na Dương, Cao Ngạn, Sơn Động, Nông Sơn) và 01 nhà máy thủy điện (Đồng Nai 5) với tổng công suất 1.735 MW.
Ngoài ra, TKV đang tiếp tục triển khai thực hiện dự án nhiệt điện than Na Dương II với công suất 110 MW, dự kiến đưa vào vận hành từ năm 2026. Khi đó, tổng công suất phát từ năm 2026 dự kiến khoảng 1.845 MW. Nguồn điện này sẽ đáp đủ cho nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông 2 hoạt động với công suất 1 triệu tấn/năm (khoảng 1.700 MW).
Bên cạnh đó, TKV cũng đã báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn, quy định vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo Đề án phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 2233/QĐ-TTg ngày 28/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, TKV sẽ thực hiện thuê truyền tải điện từ các nhà máy điện của Tập đoàn qua lưới điện quốc gia để cung cấp điện cho nhà máy điện phân 2, nhằm chủ động hoàn toàn nguồn và giá điện cho nhà máy điện phân nhôm 2 (đáp ứng yêu cầu chủ động về điện tại Quy hoạch khoáng sản).
Đối với nguồn nhân lực TKV cho biết: Hiện, tổng số lao động quản lý, cán bộ và công nhân kỹ thuật của TKV trên 94.000 lao động, được đào tạo đầy đủ các chuyên ngành tại các cơ sở đào tạo uy tín trong và ngoài nước. Đặc biệt, đội ngũ lao động tại 2 Tổ hợp nhà máy alumin Nhân Cơ và Tân Rai trên 2.400 người đã hoàn toàn làm chủ quy trình công nghệ từ khâu khai thác đến sản xuất alumin và xử lý bùn đỏ.
Cùng đó, TKV có 4 Viện nghiên cứu, công ty tư vấn và 2 trường đào tạo, có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, Tập đoàn còn hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ với các nước có nền công nghiệp sản xuất alumin, luyện nhôm phát triển như: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ,... đáp ứng nhân lực cho việc đầu tư phát triển ngành công nghiệp bauxit - alumin - nhôm.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Phó tổng giám đốc TKV cho biết: Trong thời gian qua, Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Lãnh đạo điều hành TKV đã làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông về định hướng đầu tư phát triển lĩnh vực bauxit - alumin - nhôm. Theo đó, TKV và tỉnh Đắk Nông đã thống nhất triển khai xây dựng và trình cấp có thẩm quyền xem xét chủ trương, phê duyệt kế hoạch, lộ trình đầu tư nâng công suất Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ, mở rộng quy mô khai thác thác quặng bauxit, sản xuất alumin.
Song song với đó, phối hợp về triển khai đầu tư các Tổ hợp bauxit - alumin - nhôm và đề xuất cấp có thẩm quyền trong việc thực hiện Đề án phát triển tổng thể lĩnh vực bauxit - alumin - nhôm của TKV trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đồng thời, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương về cơ chế sử dụng đất sau khai thác; xây dựng 5 khu tái định cư trên địa bàn huyện Đắk’ Lấp; có kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch khoáng sản và giải quyết các vướng mắc đề bồi thường, giải phóng mặt bằng…TKV cũng đã đề xuất với Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Quy hoạch khoáng sản, trong đó đối với quy hoạch bauxit.
Cụ thể, TKV có lộ trình đầu tư các dự án khai thác bauxit, sản xuất alumin - nhôm chắc chắn (ưu tiên đầu tư các nhà máy điện phân nhôm) để tránh phá vỡ quy luật cung - cầu alumin, gia tăng giá trị chế biến sâu, giảm tác động của vận tải alumin xuất khẩu lên hạ tầng giao thông, cảng biển và đảm bảo bảo hài hòa giữa phát triển khoáng sản với phát triển các ngành kinh tế - xã hội.
Đồng thời, phân bố nguồn nguyên liệu quặng bauxit từ các cụm cho các nhà máy alumin hợp lý hơn để tránh rủi ro về tài nguyên và đảm bảo thời gian hoạt động của các nhà máy alumin hoạt động trên 30 năm.
Bên cạnh đó, TKV cũng có giải pháp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về chồng lấn quy hoạch bauxit để tỉnh Đắk Nông thực hiện các công trình, dự án cấp bách, quan trọng thuộc nhóm ưu tiên như: Công trình an ninh quốc phòng, dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, dự án tái định cư phục vụ khai thác, chế biến khoáng sản và đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định canh, tái định cư.
Đến nay, TKV đã hoàn thành xây dựng "Đề án phát tiển tổng thể lĩnh vực bauxit - alumin - nhôm của TKV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" .Theo nội dung đề án, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, TKV sẽ tập trung đầu tư mở rộng nâng công suất Tổ hợp alumin Nhân Cơ lên khoảng 2 triệu tấn alumin/năm; đầu tư mới Tổ hợp bauxit - alumin - nhôm Đắk Nông 2 có công suất 2 triệu tấn alumin/năm và từ 0,5-1triệu tấn nhôm/năm.
Theo đó, TKV sẽ thực hiện 2 đề án thăm dò và 5 dự án bauxit - alumin - nhôm với tổng mức đầu tư dự kiến trên 182.000 tỷ đồng; trong đó, ưu tiên thực hiện Dự án nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông 2 ngay trong năm 2024, phấn đấu hoàn thành trong năm 2030, để nâng cao giá trị chế biến sâu, góp phần xây dựng tỉnh Đắk Nông thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia.
Sau khi triển khai đề án, dự kiến đến năm 2030 sản lượng alumin sẽ đạt từ 0,7 - 2 triệu tấn/năm với doanh thu 49,5 nghìn tỷ đồng và nộp ngân sách 8,4 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 4 nghìn lao động địa phương. Từ năm 2031-2045 sản lượng alumin sẽ đạt 4 triệu tấn/năm với doanh thu 1.116 nghìn tỷ đồng và nộp ngân sách 195 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 7 nghìn lao động địa phương.