Dự báo các doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều đơn hàng từ hai thị trường này, nhưng cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức nếu có sự chuyển dịch trong đầu tư của doanh nghiệp. Để tăng khả năng phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu gỗ nói riêng phải có chiến lược rõ ràng nhằm ứng phó với mọi tình huống.
Thận trọng giữ thị trường lớn
Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cho rằng, những căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn có tác động mạnh đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, với các doanh nghiệp gỗ Việt Nam, điều này chịu ảnh hưởng 2 chiều khi các nước lớn có những chính sách thương mại đối đầu nhau.
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương chia sẻ, khi xảy ra căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đồ gỗ của Mỹ chuyển hướng sang làm việc và đặt hàng với doanh nghiệp Việt Nam. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi, trước khi xảy ra căng thẳng thương mại giữa 2 bên, thị phần đồ gỗ của Trung Quốc tại Mỹ rất lớn. Căng thẳng thương mại sẽ làm cho thị phần đồ gỗ của Trung Quốc bị bỏ trống. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải biết nắm bắt cơ hội giữ lấy thị trường Mỹ trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, tranh thủ chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu cũng cần có chiến lược cụ thể. Bởi, căng thẳng thương mại xảy ra, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ của Trung Quốc sẽ rơi vào khó khăn, tất yếu tìm "con đường sống" cho chính mình.
Do đó, xu hướng các doanh nghiệp Trung Quốc thâm nhập vào Việt Nam bằng con đường thu mua doanh nghiệp gỗ kinh doanh thua lỗ, từ đó có lý do chính đáng để tiến sâu vào thị trường Mỹ, giữ thị phần của mình cho đến khi kết thúc căng thẳng thương mại giữa 2 nước.
Về vấn đề này, ông Huỳnh Quang Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cảnh báo, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam phải thận trọng, chú ý theo dõi thông tin chắc chắn về tổng sản lượng đồ gỗ Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông Thanh, khi doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt chuyển sang hoạt động tại Việt Nam, sẽ vô tình làm cho sản lượng đồ gỗ chế biến tăng nhanh. Đồng thời, các doanh nghiệp này tăng cường xuất khẩu vào Mỹ, làm cho doanh số đồ gỗ Việt vào Mỹ tăng đột biến, sẽ gây chú ý và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ của Mỹ. Nếu thiếu thận trọng, những doanh nghiệp của Mỹ sẽ tiến hành hoạt động kiện chống bán phá giá đối với đồ gỗ đến từ Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp trở ngại lớn trong tương lai.
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam một mặt phải chủ động nguồn nguyên liệu như gỗ cao su, tràm, keo… để phục vụ cho các đơn hàng đến từ Mỹ trong thời gian tới, một mặt phải cẩn trọng với các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam cũng cần những động thái hỗ trợ về quản lý các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam từ các cấp, để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra trong thời gian tới, ông Thanh đề nghị.
Phát triển nguyên liệu trong nước giúp giữ ngoại tệ
Với chính sách tăng cường trồng rừng, sản xuất, chế biến xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực. Đó là có thể chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu đồ gỗ.
Nhiều ý kiến cho rằng, giữa việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ và chủ động được nguồn nguyên liệu đều có ưu thế riêng. Nếu chủ động được nguyên liệu gỗ, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam có thể xây dựng một thương hiệu riêng biệt, độc quyền, giá trị riêng mà các quốc gia khác không có. Còn nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu sẽ như “thêm hoa trên gấm”, làm tăng sự phong phú, đa dạng cho chủng loại sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam, vừa có thể đáp ứng được một số thị hiếu của khách hàng thế giới, vừa có thể đáp ứng tiêu dùng nội địa, giữ vững thị trường trong nước trước sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Nhận định vấn đề này, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho biết, so với những năm 1990, Việt Nam phải nhập khẩu 70% nguyên liệu gỗ để phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Bên cạnh đó, công nghệ chế biến và sức sáng tạo, thị trường còn non nớt, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam phải vừa học tập các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vừa sản xuất ra sản phẩm và bán ra thị trường. Hiện nay, nguồn nguyên liệu gỗ trong nước của Việt Nam có nhiều tín hiệu khả quan.
Trong năm 2017, các doanh nghiệp chỉ nhập khẩu 40% nguyên liệu, có thể chủ động 60% nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất. Với sự chủ động này, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam có thể giữ được nguồn ngoại tệ mang về khi xuất khẩu, tránh phải thất thoát thông qua nhập khẩu nguyên liệu ngược lại, phục vụ sản xuất.
Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến gỗ đã chú trọng đến nguyên liệu gỗ khai thác. Sản phẩm gỗ ngày nay không chỉ được đánh giá về chất lượng phần cứng, nguyên liệu, mà người tiêu dùng còn đòi hỏi về chất lượng sinh thái, nguồn nguyên liệu không ảnh hưởng đến môi trường sống. Diện tích rừng trồng tính đến giữa tháng 6/2018 là 2,8 triệu ha, hàng năm cung cấp 3 triệu m3 gỗ cho ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ. Đây là dấu hiệu rất tốt cho cả người trồng rừng và doanh nghiệp, cũng như cả nước Việt Nam.
Tuy nhiên, muốn giữ phong độ này, ngoài việc tiếp tục trồng, tái sinh những diện tích rừng đã khai thác dần, Chính phủ cần có những sách sách hỗ trợ, tạo thêm sinh kế khác cho người dân trồng rừng, giúp họ phát triển gỗ lớn, tạo tỉ lệ sinh khối cao hơn, nguyên liệu phục vụ cho chế biến nhiều hơn.
Bài cuối: Tìm chiến lược mới để phát triển ngành gỗ