Chứng khoán châu Á mở cửa giảm điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 14/5, sau khi các cuộc đàm phán tại Hy Lạp về việc thành lập chính phủ mới thất bại, một cuộc bỏ phiếu tại Đức cho thấy sự phản đối ngày càng gia tăng đối với các biện pháp khắc khổ và Trung Quốc tiến hành thêm biện pháp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chứng khoán châu Á chịu sức ép từ chính trị của Hy Lạp. Ảnh: THX/TTXVN |
Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,1%, sau khi giảm hơn 1% trong phiên giao dịch ngày 11/5, xuống gần mức thấp nhất trong 4 tháng và có mức giảm theo tuần lớn nhất kể từ cuối tháng 11/2011. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 6,95 điểm, hay 0,36%, xuống 1.910,18 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,55%, lên 2.408,26 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 35,32 điểm, hay 0,37%, lên 8.988,63 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Công tăng 72,89 điểm, hay 0,37%, lên 20.037,52 điểm.
Sau các cuộc thương lượng không mang lại kết quả trong ngày 13/5, Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias sẽ tiếp tục làm việc với lãnh đạo các chính đảng trong ngày 14/5 cho nỗ lực thành lập chính phủ. Tổng thống sẽ phải kêu gọi một cuộc bầu cử mới nếu không đạt được sự nhượng bộ, điều sẽ đặt Aten gần hơn với bờ vực phá sản cũng như khả năng phải rời khỏi liên minh tiền tệ.
Trong khi đó, làn sóng phản đối các biện pháp khắc khổ tại Đức có thể lên cao sau khi đảng Bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel thất bại trong cuộc bầu cử ngày 13/5 tại bang đông dân nhất nước này.
Tại Trung Quốc, sau một loạt các số liệu yếu gần đây, Ngân hàng Nhân dân nước này tức Ngân hàng trung ương ngày 12/5 đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, tăng khả năng cho vay thêm 400 tỷ NDT (63,39 tỷ USD) để giúp ngăn chặn những ảnh hưởng xấu của việc nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Một yếu tố khác cũng đã làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư là việc ngân hàng JPMorgan Chase & Co lớn nhất nước Mỹ thua lỗ 2 tỷ USD, bị Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm một bậc, còn Standard & Poor's đánh giá triển vọng là tiêu cực. Điều này đang gây ra lo ngại về lĩnh vực tài chính của Mỹ.
Lê Minh/TTXVN