Chung sức xây dựng nông thôn mới - Bài 1: Diện mạo nông thôn Cà Mau không ngừng khởi sắc

Đến đầu năm 2019, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 42 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2010.

Xuất phát điểm khi tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Cà Mau là tương đối thấp, bình quân mỗi xã chỉ đạt 3,5 tiêu chí. Tuy nhiên, với cách làm năng động, sáng tạo, cộng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, chính quyền và nhân dân trong thực hiện phong trào thi đua ''Cà Mau chung sức xây dựng nông thôn mới'' giai đoạn 2010 -2020, diện mạo nông thôn Cà Mau đã không ngừng đổi mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh cho biết, qua gần 10 năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã có 30/82 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 36,6%; bình quân mỗi xã đạt 13,65 tiêu chí, tăng gần gấp 4 lần so với năm 2010, không còn xã đạt dưới 7 tiêu chí.

Chủ trương đúng, hợp lòng dân

Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Cà Mau đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ. 

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi (phải) trao bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho lãnh đạo xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Ảnh: TTXVN

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động ban hành nghị quyết, xây dựng chương trình hành động xây dựng nông thôn mới. Tiếp đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa bằng nhiều văn bản chỉ đạo, ban hành Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho từng giai đoạn và kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo kế hoạch, lộ trình đề ra, phấn đấu đạt mục tiêu có 50% số xã (41/82 xã) đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. 

UBND tỉnh Cà Mau còn vận dụng triệt để chính sách và hướng dẫn của Trung ương, làm cơ sở ban hành nhiều chính sách mới phù hợp với địa phương như: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; Đề án nâng cao chất lượng tôm giống; Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2017-2020… Tỉnh thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia...

Qua gần 10 năm thực hiện, phong trào thi đua ''Cà Mau chung sức xây dựng nông thôn mới'' đã thực sự đi vào đời sống; khẳng định chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Nhà nước là đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, tác động đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Diện mạo nông thôn ở nhiều vùng nông thôn Cà Mau được đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố và giữ vững, văn hóa xã hội của tỉnh có nhiều tiến bộ, thu nhập và việc làm của nhân dân được nâng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

 Phong trào tạo sức hút mạnh mẽ

Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân nên nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Nhờ cách làm năng động, sáng tạo của các địa phương trong xây dựng nông thôn mới, ở Cà Mau đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình tốt cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Đơn cử, xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi là một trong 4 xã điểm được tỉnh chọn triển khai thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới, đây cũng là xã đầu tiên của Cà Mau được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trước khi Trung ương ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Như Vàng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Dân chia sẻ: Cấp ủy đảng, UBND xã luôn xác định rõ việc xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình điều hành, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, từ đó tập trung mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên.

Ban Chỉ đạo nông thôn mới của xã đã chủ động rà soát từng nhóm tiêu chí, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng tiêu chí và có trách nhiệm tổ chức họp dân, trực tiếp đến hộ gia đình để tuyên truyền, vận động theo hình thức bàn bạc, trao đổi, đối thoại với người dân về các nội dung tiêu chí nào cần ưu tiên thực hiện trước, tiêu chí nào thực hiện sau. Từ đó, cán bộ, nhân dân trên địa bàn đều hiểu rõ tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới.

Đối với việc huy động sức dân đóng góp xây dựng nông thôn mới đã thể hiện dân chủ, công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện thực tế từng hộ dân theo quan điểm xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của tất cả người dân và của toàn xã hội; xây dựng nông thôn mới là của dân, do dân, vì quyền lợi của dân và nhân dân là người đóng vai trò chủ thể.

Trong công tác chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, xã xác định ban đầu có nhiều tiêu chí gặp khó khăn, nhưng khi thực hiện, nhờ phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng với sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận cao của nhân dân trong xã, nhiều tiêu chí khó đã được hoàn thành. Điển hình như tiêu chí giao thông nông thôn, chỉ trong 4 năm đầu triển khai thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới, với tinh thần quyết liệt, xã đã huy động nhân dân đóng góp tiền mặt trên 20 tỷ đồng và hiến nhiều diện tích đất để xây dựng hoàn thành hệ thống đường bê tông hóa trên địa bàn toàn xã.

Từ năm 2015 đến nay, cơ bản các tiêu chí đạt chuẩn nông mới của xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, đều được duy trì, giữ vững, nâng chất theo chuẩn mới. Đồng thời, xã cũng chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Đến nay, xã Tân Dân có gần 100 km đường nhựa và bê tông hóa, xe ô tô về đến trung tâm xã; 100% số hộ dân có điện sử dụng, cơ sở văn hóa được đầu tư hoàn thiện, các ấp đều có trụ sở sinh hoạt văn hóa, y tế, giáo dục phát triển khá toàn diện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Toàn xã hiện có trên 85% nhà ở dân cư đạt chuẩn theo quy định (năm 2010 tiêu chí này đạt khoảng 70%); tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/người/năm (năm 2010 tiêu chí này chỉ đạt 13 triệu/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm đáng kể... qua rà soát vào năm 2019, Tân Dân còn 17 hộ, chiếm 1,1% số hộ nghèo của toàn xã (năm 2010 tiêu chí này ở mức 4,2%).

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ở Cà Mau đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình hiến đất xây dựng trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn. Đây là những mô hình tốt, với nhiều việc làm thiết thực đã được tỉnh kịp thời tôn vinh, khen thưởng tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2010-2020. Trong đó, gia đình ông Thái Văn Lý, ấp 9, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, là một điển hình tiêu biểu.

Ông Thái Văn Lý cho biết, trước đây xã gặp khó khăn về kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, điện, trường, trạm, chợ…; đời sống người dân còn ở mức thấp. Từ khi được các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bản thân ông và bà con trong ấp đã nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới. Gia đình ông Lý luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Để góp phần hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới của xã, gia đình ông Thái Văn Lý mạnh dạn áp dụng mô hình sản xuất trồng đa cây, nuôi đa con, như trồng trúc, mía, lúa kết hợp nuôi tôm, cua, mang lại cho gia đình nguồn thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Từ nguồn thu nhập ổn định của gia đình, ông Lý đã tham gia đóng góp tiền mặt, vật chất trị giá trên 1 tỷ đồng vào việc xây dựng cầu, đường và hiến 1.000m2 đất cho xây dựng trường học, tặng 200 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Ngoài ra, ông Thái Văn Lý còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã tham gia đóng góp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở xã Trí Lực.

Nhiều địa phương trong tỉnh còn phát động mạnh mẽ phong trào mỗi ấp xây dựng một tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu; phong trào thi đua thực hiện 19 tiêu chí mà người dân trực tiếp thực hiện; phong trào mỗi đoàn thể phụ trách một tuyến đường hoa... Các cấp ủy, chi bộ cơ sở phân công mỗi đảng viên, hội viên hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã vươn lên thoát nghèo…

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh phát động và nhân rộng nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, Ban Dân vận có mô hình ''Dân vận khéo'', xây dựng Chương trình hành động về ''công tác xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững''. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh với cuộc vận động ''Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới''.

Tỉnh đoàn Cà Mau có phong trào ''Tuổi trẻ Cà Mau chung tay xây dựng nông thôn mới'', vận động hộ gia đình đoàn viên thanh niên đi đầu trong cải tạo nhà cửa, vườn, ao, chuồng trại, làm đẹp hệ thống hàng rào, cổng nhà.

Hội Liệp hiệp Phụ nữ với phong trào ''5 không, 3 sạch'', ''Phụ nữ Cà Mau chung sức xây dựng nông thôn mới''. Hội cựu Chiến binh có phong trào ''5 không, 3 có'', ''Cựu Chiến binh gương mẫu'' và Hội Nông dân có phong trào ''Nông dân Cà Mau chung tay xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới''. Ngành Công an tỉnh phát động mô hình ''Giảm tội phạm, giảm tệ nạn xã hội'', Khu dân cư ''An toàn về an ninh trật tự'', ''Cổng an ninh trật tự'', ''Giữ vững an ninh trật tự xã hội góp phần xây dựng nông thôn mới''. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch hưởng ứng phong trào thi đua “Ngành Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng tốc xây dựng nông thôn mới'', ''Toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới'', ''Lao động giỏi - Lao động sáng tạo gắn với xây dựng nông thôn mới''…

Bài cuối: Cà Mau vận dụng và phát huy những kinh nghiệm tốt

Kim Há (TTXVN)
Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Hành trình 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 sẽ được tổng kết lại vào ngày 19/10, tại Nam Định - một trong hai tỉnh hoàn thành 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Hội nghị tổng kết 10 năm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, diễn ra chiều 11/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN