Chuyển đổi cây trồng để đối phó thời tiết

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa hè 2015 do ảnh hưởng của El Nino pha nóng nên nền nhiệt trung bình cao hơn các năm trước đây, nắng nóng kéo dài trên diện rộng, dẫn đến khô hạn. Trước tình trạng nhiều diện tích trong cả nước không có nước sản xuất, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN & PTNT) đã bàn bạc với các địa phương vận động và hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, không để ruộng hoang.

Nông dân đồng thuận

Thời gian qua, toàn miền Bắc và miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận trải qua giai đoạn nắng nóng kéo dài, nhiệt độ luôn dao động trên dưới 40 độ C, đã làm xáo trộn đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân. Gia đình ông Hồ Đức Hải, ở xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có gần 1.000 m2 ruộng, vừa mới gieo mạ xong thì gặp nắng nóng, không có nước nên chết héo. Phòng NN & PTNT huyện Quỳnh Lưu khảo sát, đánh giá cụ thể rồi cử cán bộ xuống các địa bàn, vận động các hộ dân chuyển đổi cây trồng thích hợp với thời tiết. Gia đình ông Hải nhất trí, làm lại đất để trồng ngô.

Do nắng nóng kéo dài, dẫn đến hạn hán cục bộ, nên nông dân nhiều địa phương của tỉnh Phú Yên đã chuyển 750 ha ruộng sang trồng cây mầu. Ảnh: Thế Lập – TTXVN


Giữa nắng nóng, gia đình ông Hải đang làm cỏ và chăm sóc ruộng ngô đang thì nảy mầm. Nghỉ giải lao uống nước, ông Hải nói: “Mạ mới cấy, không có nước nên chết héo, xót ruộng để hoang nên gia đình tôi chuyển sang trồng ngô. Tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai, và hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, để nông dân bớt phần khó khăn”.

Ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Khô hạn là bất khả kháng, nên các hộ dân đều đồng thuận việc chuyển đổi cây trồng”. Cả huyện có gần 500 ha (trên tổng số 7.500 ha ruộng trồng lúa) của 3.221 hộ dân không cấy được lúa, phải thực hiện chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Huyện đã làm tờ trình gửi Sở NN & PTNN để cấp kinh phí hỗ trợ thiệt hại và chuyển đổi cây trồng cho người dân.

Tương tự, Ninh Thuận là tỉnh bị ảnh hưởng nặng bởi nắng nóng và khô hạn, các hồ chứa đều cạn kiệt, dung tích dưới 10%. Vụ hè thu, dự kiến Ninh Thuận dừng sản xuất khoảng 10.229 ha, chiếm 34%. Ông Phan Văn Thựu, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Vừa rồi ở Ninh Thuận đã có mưa, nhưng vẫn chưa đủ nước để tiến hành gieo trồng vụ lúa hè thu, vì vậy Sở đã xây dựng đề án để thay thế các loại cây trồng khác như: ngô, đậu, cỏ chăn nuôi… Đây là biện pháp nhằm đối phó với tình hạn hán, vừa tiết kiệm được nguồn nước, vừa phục vụ cho thức ăn gia súc. Những hộ dân chuyển đổi sẽ được hỗ trợ giống, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình điểm để từng bước nhân rộng, nhằm nâng cao hiệu quả trên diện tích ruộng trồng lúa”.

Ông Thựu cho biết thêm, việc này là tình thế, không thể làm khác được vì thời tiết quá khắc nghiệt. Sở NN & PTNT tỉnh Bình Thuận đã và đang vận động, tuyên truyền người dân ủng hộ chủ trương chuyển đổi cây trồng. Vừa rồi, được Chính phủ hỗ trợ kịp thời 172 tỷ đồng, tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành hỗ trợ người dân khắc phục hạn hán như: cung cấp nước sạch, thức ăn gia súc, giống cây trồng để tái sản xuất…

Chủ động nhưng vẫn khó khăn

Bộ NN & PTNN khẳng định, do tình hình hạn hán đã được dự báo trước, Cục Trồng trọt đã chỉ đạo các địa phương tích cực vận động nông dân chuyển đổi và có chính sách hỗ trợ để thực hiện. Diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang các loại cây rau màu trong vụ đông xuân 2014-2015 và hè thu 2015 đạt 58% trên tổng số 8.527 ha kế hoạch. Tuy nhiên, diện tích chuyển đổi cũng gặp khó khăn vì quá thiếu nước trong cả giai đoạn dài, không thể gieo trồng ngay cả các cây chịu hạn từ đất lúa.

Ngoài giải pháp chuyển đổi cây trồng, ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN & PTNT) cho biết: Các tỉnh đã chủ động đào ao, giếng dưới lòng suối, tìm nguồn nước ngầm, nạo vét kênh mương để đảm bảo dẫn nước phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt của người dân; đồng thời, phối hợp với các nhà máy thủy điện để xả nước tối đa phục vụ sản xuất. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quán triệt người dân sử dụng nước tiết kiệm, không nên gieo trồng ngoài kế hoạch cũng được các địa phương triển khai mạnh mẽ.

Bộ NN & PTNT cho biết, nhiều tỉnh bị thiệt hại về cây trồng, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, nên Bộ đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương để khắc phục hậu quả do hạn hán gây ra. Bộ cũng đã triển khai công tác chống hạn khẩn cấp từ nay đến hết mùa khô năm 2015, với tổng kinh phí trên 57,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Quỳnh Lưu cảnh báo: Vừa rồi ở huyện Quỳnh Lưu đã có mưa nên với 350,02 ha trồng lúa vụ hè thu bị thiệt hại do hạn hán, các hộ dân tiếp tục làm lại đất trồng lúa vụ mùa. Việc trồng giống lúa ngắn ngày, không đúng mùa vụ có thể dẫn đến sâu bệnh trên cây lúa. Hơn nữa, việc trồng lúa muộn hơn một tháng yêu cầu chế độ chăm sóc tốt hơn, mà năng suất có thể sẽ không cao.

Theo Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát, cả nước hiện có khoảng 50.000 ha không thể gieo trồng vụ hè thu do biến đổi khí hậu, nắng nóng và khô hạn kéo dài, nên thiếu nước sản xuất. Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ NN & PTNT đã bàn với các địa phương chuyển sang trồng cây sử dụng ít nước như ngô, đậu, cỏ chăn nuôi... Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các quy trình kỹ thuật tưới tiết kiệm nước để nâng cao hiệu quả sử dụng nước và năng suất cây trồng.


Việt Hoàng
Màu xanh trên vùng gió, cát,  khô hạn
Màu xanh trên vùng gió, cát, khô hạn

Nhắc đến Bình Thuận, nhiều người vẫn không khỏi “rùng mình” bởi đây được biết đến là vùng khô hạn nhất cả nước, đất đai cằn cỗi. Trụ lại nơi đây phần lớn chỉ có những cành xương rồng già nua, xơ xác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN