Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, bài báo liệt kê đặc trưng nổi bật của Việt Nam như dân số trẻ dưới 35 tuổi chiếm tới 50%; kể từ cuối thập niên 1980 khi thế hệ này được sinh ra, Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân khoảng 6% cho đến nay nhờ thành công của chính sách đối ngoại, hội nhập mở cửa tích cực; Việt Nam đang thu hút sự chú ý như một thị trường có tiềm năng cao căn cứ trên các lợi thế về nguồn nhân lực trẻ và dồi dào, cũng như việc mở rộng cơ sở hạ tầng liên tục của chính phủ. Theo bài viết, đây là lý do tại sao các quốc gia hàng đầu thế giới và các tập đoàn đa quốc gia tiếp tục đầu tư vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.
Bài viết cũng đề cập đến thành tích trao đổi thương mại giữa 2 nước nhân dịp 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn - Việt, nêu rõ kim ngạch thương mại song phương đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 87,7 tỷ USD và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc. Khoảng 8.800 công ty Hàn Quốc đã vào Việt Nam và đang đóng góp vào thương mại cũng như hệ sinh thái kinh tế và công nghiệp.
Theo bài viết, có thể khẳng định chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Yoon Suk Yeol là cơ hội lớn, các bên cần cân nhắc định hướng về hợp tác kinh tế giữa hai nước và các chiến lược để các công ty Hàn Quốc thâm nhập thị trường Việt Nam. Trước hết, cần nâng cấp cơ cấu thương mại với Việt Nam và tăng cường quan hệ đối tác chuỗi cung ứng. Trong khi đó, Hàn Quốc và Việt Nam đang mở rộng thương mại bổ trợ lẫn nhau, tập trung vào hàng hóa trung gian và phụ tùng. Cùng với đó, vấn đề rất quan trọng đặt ra là cần thiết kế nền tảng cho thương mại và đầu tư trung và dài hạn bằng cách mở rộng thương mại hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cao cấp có giá trị gia tăng cao. Thông qua hợp tác công nghệ tùy chỉnh, năng lực công nghiệp của Việt Nam sẽ được tăng cường, đồng thời thúc đẩy hoạt động R&D chung và hợp tác đầu tư dài hạn trong các lĩnh vực công nghệ cao, dẫn đến mối quan hệ hợp tác hướng tới tương lai. Nếu một mạng lưới hợp tác chuỗi cung ứng Hàn - Việt bao gồm khoáng sản cốt lõi, vật liệu và các sản phẩm trung gian được xây dựng trên cơ sở các quan hệ đối tác hợp tác công nghiệp thì hiệu quả tổng hợp trong hợp tác kinh tế song phương Hàn - Việt dự kiến sẽ rất lớn.
Việc tham gia vào các dự án trong lĩnh vực năng lượng và thân thiện với môi trường cũng cần được ghi nhận. Việt Nam là quốc gia đầu tiên Hàn Quốc ký thỏa thuận về biến đổi khí hậu. Ngoài ra, khi các dự án do chính phủ dẫn dắt được triển khai như thành phố thông minh và trang trại thông minh được kích hoạt, cơ hội hợp tác giữa các công ty Hàn Quốc với Việt Nam dự kiến sẽ mở rộng.
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực hội tụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cũng ngày càng mở rộng. Việt Nam muốn có bước nhảy vọt trong các ngành công nghiệp tương lai như chăm sóc sức khỏe, công nghệ giáo dục và dữ liệu lớn thông qua các công nghệ đổi mới như 5G và trí tuệ nhân tạo (AI). Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc và các công ty khởi nghiệp đã đọc được nhu cầu và như vậy đã tích cực tiến vào thị trường Việt Nam. Điển hình là công ty khởi nghiệp Hàn Quốc đứng số 1 trên sàn giao dịch trực tuyến xe máy cũ tại Việt Nam. Trong lĩnh vực này, việc áp dụng kinh nghiệm và bí quyết của Hàn Quốc trong chuyển đổi kỹ thuật số vào thực tế các vùng miền, địa phương của Việt Nam sẽ tạo ra các cơ hội phát triển mới. Các ngành và thị trường trong tương lai cũng được kỳ vọng sẽ mở rộng thông qua hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và khởi nghiệp ở cả hai quốc gia.
Bài viết kết luận nền kinh tế thế giới hậu đại dịch đang thay đổi nhanh chóng, các quốc gia trên thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, Hàn Quốc và Việt Nam cần củng cố mối quan hệ với tư cách là đối tác chiến lược và toàn diện, đồng thời phát triển thành mối quan hệ hợp tác kinh tế mạnh mẽ hơn. Hy vọng chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ là cơ hội để các công ty, tập đoàn của cả hai nước khám phá các lĩnh vực hợp tác trong tương lai và chuẩn bị động cơ mới cho tăng trưởng kinh tế.