Tiến sĩ Mazyrin cho rằng trong bối cảnh ngay sau khi đại dịch COVID-19 giảm bớt và thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát, khủng hoảng năng lượng và cạnh trạnh địa chính trị, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt và cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á là dấu hiệu tích cực. Điều này cũng cho thấy sự ổn định và khả quan của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh các rủi ro nêu trên vẫn tiếp tục tác động và ảnh hưởng, chuyên gia Mazyrin nhận định có thể xem tốc độ tăng trưởng nhanh hiện nay là sự tăng trưởng phục hồi.
Đề cập đến những yếu tố giúp Việt Nam duy trì được các động lực tăng trưởng kinh tế, Tiến sĩ Mazyrin cho rằng điểm đáng chú ý nhất là Việt Nam duy trì được dòng vốn đổ vào khá tốt do các nhà đầu tư luôn tìm kiếm những nơi trên thế giới có tình hình ổn định. Theo ông, yếu tố thứ hai giúp duy trì tăng trưởng kinh tế cao là sự dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, sang Việt Nam. Chuyên gia này cũng đề cập đến chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt thời kỳ Đổi mới, đã kết hợp sự điều tiết của nhà nước với cơ chế thị trường. Điều này giúp duy trì sự ổn định và đảm bảo nền kinh tế phát triển thuận lợi.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Mazyrin cũng cho rằng ảnh hưởng của các yếu tố xung đột địa chính trị, trong đó có cả khủng hoảng năng lượng và lương thực, vẫn đang ở phía trước và điều này sẽ tác động tới nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở chỗ nền kinh tế Việt Nam rất mở khi Việt Nam đang hội nhập với nền kinh tế thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt khoảng 750 tỷ USD là kết quả nổi bật của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng cùng với xuất khẩu tăng, mức độ phụ thuộc cũng tăng lên. Trong bối cảnh đó, cuộc khủng hoảng ở châu Âu ngày càng nghiêm trọng do xung đột tại Ukraine có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang châu Âu và khả năng nhập khẩu từ châu Âu cũng sẽ giảm.
Theo Tiến sĩ Mazyrin, trong một năm qua, lạm phát của Việt Nam ở mức tương đối thấp. Điều này mang lại kết quả tốt đẹp về mặt kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, ông cảnh báo hiện tượng này có thể chỉ là tạm thời do tình trạng lạm phát cao trên toàn cầu.
Trong bối cảnh nhiều thách thức đối với nền kinh tế như hiện nay, ông Mazyrin nhận định Việt Nam đang có nhiều lựa chọn đối tác phong phú, đặc biệt là trong khu vực Đông Á bởi xét về tổng thể, các nước trong khu vực này có triển vọng thịnh vượng hơn về kinh tế. Do đó, ông cho rằng đối với Việt Nam, giống như bất kỳ nước thành viên ASEAN nào, việc mở rộng thương mại là cần thiết và quan trọng.