Theo Tiến sỹ Camerlo Ferlito, Giám đốc điều hành (CEO) Trung tâm Giáo dục thị trường (CME) tại Malaysia, để thúc đẩy quan hệ thương mại Malaysia - Việt Nam, giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Malaysia, cùng với đổi mới sáng tạo trong sản xuất hàng hóa, dịch vụ, hai nước nên tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp thực phẩm, trong đó Việt Nam có thể hỗ trợ đối tác trong đảm bảo an ninh lương thực.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Tiến sỹ Camerlo Ferlito cho biết, với thế mạnh về sản xuất lúa gạo, Việt Nam là một trong những nguồn cung chính của mặt hàng thực phẩm thiết yếu này cho thị trường Malaysia và đây là lợi thế mở ra cho các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm khác. Ngoài ra, ông cũng khuyến khích doanh nghiệp Malaysia đầu tư vốn, công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam để tái xuất khẩu vào chính Malaysia và các thị trường Hồi giáo khác.
Về phát huy tối đa hiệu quả của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà cả Việt Nam và Malaysia đều là thành viên, theo Tiến sỹ Ferlito, Việt Nam cần tăng cường đổi mới sáng tạo cũng như thúc đẩy giao thương.
Theo Tiến sỹ Ferlito, trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang nỗ lực phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 và ứng phó tác động của địa chính trị chiến lược, một trong những cách hiệu quả nhất giúp các nước, trong đó có Việt Nam, vượt qua khó khăn là tăng cường các nỗ lực đổi mới và sáng tạo. Điều này sẽ giúp nền kinh tế nói chung cũng như sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và xâm nhập các thị trường, trong đó có Malaysia.
Chuyên gia Malaysia chỉ ra, Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động đông đảo và giá rẻ nhưng điều này cũng ảnh hưởng tới năng suất và hiệu quả cạnh tranh. CEO của CME lưu ý bên cạnh phát huy lợi thế này, Việt Nam cần tăng cường cải tiến, đổi mới và sáng tạo, gia tăng hàm lượng chất xám và công nghệ trong sản phẩm, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ.
Tiến sỹ Camerlo Ferlito bày tỏ hoan nghênh mọi bước đi theo hướng tạo ra và mở rộng không gian cho thương mại tự do. Ông cho rằng khi CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Malaysia, nền kinh tế Đông Nam Á này sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các nền kinh tế thành viên của hiệp định. Trong tương quan so sánh với Việt Nam, ông lưu ý hai nước có sự tương đồng về nhiều mặt hàng xuất khẩu chiến lược. Khi hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các nước thành viên CPTPP được giảm thiểu, hai nước sẽ cạnh tranh nhau khi thâm nhập thị trường các nước thành viên khác. Ngoài ra, Malaysia và Việt Nam cũng cạnh tranh nhau trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi có nhiều điểm tương đồng và thực hiện chính sách thân thiện với nhà đầu tư.
CPTPP là hiệp định thương mại tự do loại bỏ 95% thuế quan giữa 11 thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore vào tháng 12/2018, đối với Việt Nam vào tháng 1/2019 và Peru vào tháng 9/2021. Văn kiện này dự kiến chính thức có hiệu lực đối với Malaysia từ ngày 29/11 tới. Hiện chỉ còn Brunei và Chile chưa hoàn thành các quy trình phê chuẩn hiệp định này.