Theo Quyết định mới ban hành, khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng.
Khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điểm mới trong Quyết định 5 là rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện xuống còn 3 tháng.
Để điều chỉnh giá điện bình quân trong năm, trước ngày 25 tháng đầu tiên quý II, III và IV, EVN xác định sản lượng điện thương phẩm thực tế của quý trước và tổng sản lượng điện thương phẩm cộng dồn từ đầu năm, ước sản lượng điện thương phẩm các tháng còn lại trong năm; xác định chi phí phát điện của quý trước liền kề, chi phí phát điện cộng dồn từ đầu năm (bao gồm cả chi phí mua điện từ các nhà máy cung cấp dịch vụ phụ trợ), ước chi phí khâu phát điện các tháng còn lại trong năm theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và cập nhật các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện để tính toán lại giá bán điện bình quân…
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia Trần Đình Long cho rằng, thời gian điều chỉnh được rút ngắn sẽ giúp đưa giá điện gần hơn với thị trường. Song cũng cần sớm đẩy nhanh vận hành thị trường điện để đưa giá điện đúng với thị trường.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho hay, việc rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh giá điện là điều cần thiết, bởi điều này sẽ giúp các nhân tố hình thành giá điện phản ánh kịp thời và sát hơn với sự biến động trên thị trường.
“Nếu kéo dài thời gian điều chỉnh giá, khi chi phí cấu thành giá điện liên tục tăng, chi phí bị tích lại, sẽ khiến giá điện khó tránh việc điều chỉnh một cách giật cục và tăng cao”, ông Thỏa nói.
Ngoài ra, việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá cũng là bước chuẩn bị cần thiết để tiến tới vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giá bán có thể lên xuống theo tín hiệu thị trường.
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương đánh giá, việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện để giá điện biến động theo thực tế của thông số đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, không bị dồn tích quá nhiều…. Quy định là 3 tháng điều chỉnh một lần, nhưng không có nghĩa rằng cứ 3 tháng sẽ điều chỉnh giá, mà còn tùy thuộc vào đánh giá tác động tới kinh tế vĩ mô, cũng như tùy thuộc vào kết quả tính toán cập nhật giá điện đã đủ mức để được xem xét điều chỉnh theo quy định hay chưa…
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó giám đốc Công ty Cơ khí SKD: "Tôi đồng tình với quan điểm điều chỉnh giá điện với thời gian ngắn hơn, để có thể bám sát đúng với giá nguyên nhiên liệu thế giới. Tuy nhiên, việc tính toán mức tăng, cơ cấu tăng ra sao cần phải minh bạch, dễ hiểu hơn, có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ của cơ quan chức năng để người dân cũng như doanh nghiệp có thể hiểu và đồng thuận".
Trong năm 2022 và năm 2023, EVN đã lỗ tổng cộng gần .000 tỷ đồng, chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá vẫn treo từ các năm trước khoảng 14.000 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm 2024 đến nay, bản thân tập đoàn này đã phải huy động một lượng lớn các nguồn điện có chi phí cao hơn như nhiệt điện, năng lượng tái tạo... để cung ứng điện, thay vì nguồn thủy điện với giá rẻ. Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, so với năm trước, hiện EVN đang tập trung huy động lớn nguồn nhiệt điện nhằm đảm bảo giữ nước cho sinh hoạt, sản xuất khi nhiều dự báo mùa khô năm nay kéo dài. Theo kế hoạch, nguồn nhiệt điện sẽ huy động với mức tăng trưởng 145% so với năm 2023.
Ngoài ra, với năng lượng tái tạo, EVN cũng huy động tối đa vào các ngày trong tuần, trừ các ngày thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ…
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ đầu năm, phần lớn các hồ thủy điện khu vực phía Bắc có lưu lượng nước về thấp so với trung bình nhiều năm, chỉ đạt từ 25-96%. Nhiều hồ khu vực phía Nam đạt thấp hơn trung bình nhiều năm từ 29-70%.
Rõ ràng, chưa vào cao điểm mùa nóng nhưng tập đoàn này đã phải huy động nguồn điện có giá thành cao để giữ nước ở các hồ thủy điện. Điều này đồng nghĩa với việc EVN phải tốn nhiều chi phí hơn cho các nguồn điện mua ngoài, trong khi tập đoàn này chỉ chiếm 37% tổng công suất nguồn điện.
Để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị này, cũng như đảm bảo cung ứng điện thông suốt trong bối cảnh mùa khô sắp tới, nhiều chuyên gia nhận định việc điều chỉnh giá điện theo Quyết định mới là cần thiết.