Từ đây, cá tra Việt khẳng định uy tín, dễ dàng hơn trong tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu không chỉ Hoa Kỳ mà còn xâm nhập vào nhiều thị trường nhập khẩu khó tính khác.
Tín hiệu vui
Theo dự báo của Tổng Cục Thuỷ sản, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với mức thuế 25% đối với cá rô phi Trung Quốc gây thiệt hại cho ngành sản xuất cá rô phi Trung Quốc tại thị trường Mỹ, nhưng lại mở ra cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam chiếm thị phần. Qua đó, tạo cơ hội nâng mức tiêu thụ cá tra bình quân đầu người tại Mỹ vượt mức hiện tại 0,3 kg/người.
Thêm tín hiệu vui cho ngành cá tra Việt Nam khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn ngày 12/2/2020. EVFTA dự kiến sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 5/2020 và có thể có hiệu lực vào tháng 7/2020. Khi đó, thuế nhập khẩu sẽ được giảm từ mức hiện tại 5,5% xuống 0% trong 3 năm đối với cá philê đông lạnh và từ 7% xuống 0% trong 7 năm đối với cá philê đã chế biến. EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU với 508 triệu dân, GDP khoảng 18.000 tỷ USD.
Dự báo các nhà máy chế biến cá thịt trắng (Cod, Pollock) tại Trung Quốc chưa làm việc trở lại trong 3 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Từ đó, dẫn tới việc Trung Quốc thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng cung cấp cho thị trường EU, Mỹ. Đây cũng là cơ hội tốt ở thời điểm ngắn hạn cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam xuất khẩu qua EU, Mỹ. Đặc biệt, kết quả của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) đối với cá tra xuất khẩu sang Mỹ dự kiến giảm xuống còn 0%, đây cũng là tín hiệu tốt, tác động tích cực đến ngành hàng cá tra Việt Nam.
Dựa trên số liệu xuất khẩu của các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam trong 5 năm gần đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra dự báo trong 5 năm tiếp theo (2020-2025) Trung Quốc, Mỹ và EU vẫn là những thị trường tiêu thụ quan trọng của cá tra Việt Nam, chiếm khoảng 65 % tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Mặc dù liên tục có nhiều biến động tuy nhiên 3 thị trường này chứng tỏ sự ổn định khá cao về cả sản lượng và giá trị.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng: Chất lượng và các yêu cầu về an toàn thực phẩm xuất khẩu vào các thị trường này ngày càng khắt khe, tuy nhiên cá tra Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu thị trường trên toàn chuỗi, cụ thể như việc công nhận tương đương của Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) đối với ngành cá tra Việt Nam.
“Điều này đã chứng tỏ năng lực của Cơ quan thẩm quyền Việt Nam cũng như khả năng của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam có thể đáp ứng bất kì các yêu cầu nào của các thị trường nhập khẩu khó tính”, ông Hòe khẳng định. VASEP cũng đưa ra dự báo Hiệp định EVFTA có hiệu lực cũng là đòn bẩy giúp cá tra Việt Nam chiếm ưu thế hơn tại khối thị trường châu Âu trong 5 năm tới.
Tăng trưởng tích cực
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Vĩnh Hoàn nhận định: Dịch COVID-19 khiến xuất khẩu cá tra của Việt Nam gặp khó, nhưng qua đợt dịch bệnh này, các nước như Trung Quốc, EU, Mỹ… sẽ gia tăng nhập khẩu cá tra, nên cần chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa và lên kế hoạch mở rộng thị trường tiêu thụ cho cá tra Việt Nam.
Phó Tổng thư ký VASEP bà Tô Tường Lan cũng cho rằng: Ngoài các thị trường nhập khẩu mạnh cá tra Việt Nam như: Mỹ, Trung Quốc, EU thì các doanh nghiệp cũng cần lưu ý tiếp thị, mở rộng thị trường mới; trong đó, ASEAN là thị trường tiềm năng khi có mức tăng trưởng khá trong 3 năm gần đây. Bên cạnh đó, Ấn Độ, Pakistan cũng là những thị trường cần có giải pháp để đưa cá tra Việt Nam xâm nhập.
Hiện thị trường ASEAN và Nam Mỹ được VASEP đưa vào nhóm các thị trường mới nổi cần ưu tiên đẩy mạnh tiếp thị, phát triển, tăng các đơn hàng xuất khẩu cá tra. Trong 2 năm trở lại đây, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường ASEAN tăng trưởng tích cực. Năm 2018, xuất khẩu cá tra sang ASEAN đạt 202,6 triệu USD, tăng 41,5%. Năm 2018 và 2019 ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam sau Mỹ, Trung Quốc và EU.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP đánh giá ASEAN là thị trường nhiều tiềm năng của cá tra Việt Nam trong nhiều năm qua. Theo ông Hòe, nếu hai năm trước, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tìm thấy nhiều cơ hội xuất khẩu ở một thị trường đơn lẻ Thái Lan, thì trong năm 2018 và 2019, các nhà xuất khẩu bắt đầu đẩy mạnh sang Phillipines, Singapore và Malaysia. Mức tăng trưởng dương này phản ánh những Hiệp định thương mại trong khu vực; trong đó có Hiệp định ATIGA bắt đầu phát huy kết quả.
"Brazil vẫn được các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đánh giá là thị trường xuất khẩu tiềm năng tại khu vực Nam Mỹ và Trung Đông- thị trường được đánh giá là quan trọng và rất đáng lưu ý cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam”, ông Hòe thông tin.
Theo VASEP, trong 2 năm trở lại đây, xuất khẩu cá tra sang thị trường Brazil liên tục giảm sút. Nguyên nhân do Brazil muốn Việt Nam mở cửa cho một số sản phẩm nông nghiệp của nước này như thịt bò, dưa lưới vào Việt Nam... Từ đó, Brazil đã đặt ra rào cản kỹ thuật hết sức nghiêm ngặt đối với sản phẩm cá tra Việt Nam, cao hơn tiêu chuẩn của EU và Mỹ. Nếu cá tra muốn rộng cửa vào thì trường Brazil thì cơ quan thẩm quyền 2 nước phải làm việc để tháo gỡ bớt rào cản kỹ thuật để sản phẩm cá tra có thể chiếm lĩnh thị trường tiềm năng này.
Riêng thị trường Trung Đông, việc đóng cửa thị trường Saudi Arabia, là 1 trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp cá tra Việt Nam trong thời gian qua đã khiến giá trị xuất khẩu sang khối thị trường này giảm. Thị trường này cũng dựng rào cản thương mại đối với cá tra Việt Nam khi gia tăng tiêu chuẩn về “Chương trình chăn nuôi Halal” khi áp dụng với cả các sản phẩm thức ăn chăn nuôi và cơ sở sản xuất giống, chứ không riêng gì đối với sản phẩm nhập khẩu. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vẫn đang trông chờ vào các động thái tích cực từ Saudi Arabia để hoạt động xuất khẩu được bình thường trở lại.
VASEP cũng đánh giá Ấn Độ là một trong những thị trường tiềm năng để xuất khẩu cá tra khi dân số chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Theo VASEP, Ấn Độ là thị trường khá đặc biệt vì không ăn thịt phổ biến như bò, lợn, mà chỉ ăn cừu, dê, gà và thủy hải sản. Theo ước tính, Ấn Độ nuôi khoảng 600.000 tấn cá tra mỗi năm nhưng thịt cá bị vàng và nhà máy chế biến tại quốc gia này chưa sản xuất ra được những sản phẩm cá tra phi lê thịt trắng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như của Việt Nam.
Hiện sản phẩm cá tra phi lê Việt Nam được xem là sản phẩm cao cấp đang được nhập khẩu phục vụ trong các nhà hàng tại Ấn Độ. Tuy nhiên, hiện thuế nhập khẩu vào Ấn Độ đối với hàng cá tra phi lê còn rất cao đến 65%, cùng với hệ thống kho lạnh, siêu thị tại đây chưa được đầu tư đầy đủ cho mặt hàng đông lạnh.