Chương trình do Cục Xuất Nhập khẩu, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh và các Sở Công Thương tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp, Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Lương thực Trung Quốc tổ chức.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu, Đoàn Trung Quốc có khoảng 20 đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu gạo của Trung Quốc do đại diện Hiệp hội Lương thực Trung Quốc làm trưởng đoàn.
Chương trình làm việc ngoài hoạt động thăm thực địa một số cơ sở xay xát, chế biến gạo của các doanh nghiệp tại tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp sẽ có Hội thảo giao thương tại tỉnh An Giang vào ngày 9 tháng 5 năm 2019.
Đại diện Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều Chương trình xúc tiến thương mại gạo theo hướng đổi mới, đa dạng hóa hình thức thực hiện; trong đó giai đoạn từ năm 2016-2018, Bộ Công Thương đã mời 4 đoàn doanh nghiệp nhập khẩu gạo của Trung Quốc từ các tỉnh có nhu cầu tiêu thụ lớn sản phẩm gạo Việt Nam như: An Huy, Quảng Đông, Vân Nam, Phúc Kiến, Chiết Giang, thành phố Trùng Khánh vào giao dịch mua hàng, thăm quan thực địa tại các địa phương có sản lượng gạo hàng hóa lớn và tập trung nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.
Các chương trình này là cơ hội để tuyên truyền những tiến bộ về chất lượng gạo Việt Nam, tiềm năng về sản xuất cũng như giới thiệu cơ sở vật chất, khả năng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam, qua đó, giúp nâng cao nhận thức, đánh giá của các doanh nghiệp Trung Quốc về hoạt động sản xuất, chế biến gạo của Việt Nam, thương hiệu gạo Việt Nam.
Đáng chú ý là, nếu như năm 2018, Trung Quốc luôn đứng ở vị trí thứ nhất trong số các thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam thì quí I năm nay, Philippines vươn lên đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 40,2% thị phần.
Do đó, đợt giao thương này được kỳ vọng sẽ mở rộng cơ hội cho hạt gạo Việt Nam vào thị trường Trung Quốc - một trong những thị trường chủ lực của gạo Việt.