‘Có tình trạng lách quy định bằng mở tài khoản doanh nghiệp để gian lận’

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết, sau khi Quyết định 2345/QĐ-NHNN triển khai các giải pháp bảo mật trong thanh toán trực tuyến và Thông tư 17/2024/TT quy định việc mở và sử dụng tài khoản có hiệu lực, số vụ lừa đảo đối với khách hàng cá nhân đã giảm rõ rệt. 

Chú thích ảnh
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng.

Tỷ lệ số hoá ngành Ngân hàng tăng trưởng mạnh 

“Dù vậy, không có một biện pháp nào triệt để và hoàn hảo. Quyết định 2345, Thông tư 17 đã siết chặt việc mở tài khoản chính chủ khách hàng cá nhân, nhưng gần đây lại xảy ra tình trạng lách quy định bằng việc mở tài khoản doanh nghiệp, lách xác thực sinh trắc học, nhằm gian lận”, ông Phạm Tiến Dũng cho biết.

Tại Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2024 diễn ra ngày 29/10, do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức, Phó Thống đốc NHNN cho biết, thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ chú trọng hơn hoạt động mở tài khoản của doanh nghiệp, đảm bảo xác thực được người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp. 

“Khi doanh nghiệp thực hiện giao dịch, nếu giá trị lớn, cần phải có chữ ký để xác định người chịu trách nhiệm, đảm bảo khi xảy ra vấn đề, chúng ta truy vết được người ký; đồng thời, cần phải có sự phối hợp với các cơ quan bộ, ngành khác. Nếu để tình trạng không xác định được chủ doanh nghiệp là ai? không chỉ đối với ngành Ngân hàng mà tình trạng lừa đảo sẽ vẫn xảy ra trên mọi lĩnh vực”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo NHNN, nối tiếp thành công của năm ngoái, chuỗi sự kiện Hội thảo và Triển lãm Smart Banking năm 2024, tập trung vào chủ đề ngành Ngân hàng đang rất quan tâm: “Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững”. Về mặt không gian pháp lý đối với chuyển đổi số, ngành Ngân hàng hiện rất mở và đạt được những thành quả mà chưa ngành nào làm được. Chẳng hạn, từ việc mở tài khoản bằng định danh khách hàng điện tử (eKYC) từ năm 2021 và kể từ ngày 1/10/2024, chỉ cho phép mở tài khoản bằng căn cước công dân có gắn chip, triển khai bảo lãnh cũng như cho vay trực tuyến…

Tại nhiều ngân hàng thương mại (NHTM), ghi nhận tỷ lệ giao dịch trên kênh số đạt khoảng 97 - 98%. Tỷ lệ tăng trưởng giao dịch trên kênh số của ngành Ngân hàng vẫn đạt mức 2 con số hằng năm cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn mang vai trò kết nối với các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Tuy nhiên, việc tích hợp với nhiều đơn vị cũng mang đến những nguy cơ liên quan đến an toàn bảo mật và gián đoạn vận hành.

Xây dựng một hệ thống tài chính bền vững

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng, ngành Ngân hàng đã và đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, từ việc áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính số hóa. Những thay đổi này không chỉ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới cho các ngân hàng khi phục vụ khách hàng và nâng cao trải nghiệm người dùng. 

“Bên cạnh những cơ hội, ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Hiện vấn đề về an ninh, an toàn trong thanh toán và các hệ thống thông tin ứng dụng nghiệp vụ cũng như hoạt động phòng chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục được tăng cường. Đến nay, đã có khoảng hơn 37 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công. Đây được xem là một bước tiến tích cực giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ người dùng trước các gian lận, lừa đảo", ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA, để có thể cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có hàm lượng công nghệ cao, dịch vụ cá nhân hóa cao nhằm tăng trải nghiệm của khách hàng, việc thu thập, khai thác và xử lý dữ liệu luôn được coi trọng.

Sự phát triển nhanh chóng của chiến lược kinh doanh dựa trên dữ liệu trong ngành Ngân hàng đã tạo ra những lợi ích đáng kể. Nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư…

"Toàn ngành đã tập trung làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các tổ chức tín dụng, đảm bảo 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư", ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

Minh Phương/Báo Tin tức
Ngân hàng số ‘chiều’ khách với hàng loạt tiện ích
Ngân hàng số ‘chiều’ khách với hàng loạt tiện ích

Với chiếc điện thoại có mạng cài App ngân hàng, khách hàng có thể đặt mua vé xem phim, vé xe khách, dịch vụ taxi, thưởng thức đồ uống tại hệ thống Starbucks hoặc lì xì online trong những ngày này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN