Cụ thể, hiện còn 36 công trình vi phạm, 56 hộ lấn chiếm phạm vi lòng hồ thuộc các công trình thủy điện với các mức độ khác nhau tại các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng và Lạc Dương. Trong số đó, tại hồ thủy điện Đồng Nai 3 (xã Đinh Trang Thượng, Di Linh) có 3 hộ dân xây dựng trái phép, kinh doanh du lịch trên mặt hồ với diện tích hàng ngàn m2; hồ thủy điện Đại Ninh (xã Ninh Gia và Phú Hội, huyện Đức Trọng) có 22 hộ dân lấn chiếm đất lòng hồ, cửa nhận nước.
Ngoài ra còn có hồ thủy điện Đồng Nai 4 (xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm) có trường hợp người dân tự ý xây dựng nhà gỗ, bè nuôi cá quy mô lớn trong phạm vi hành lang, lòng hồ. Công trình Thủy điện Đa Siat (huyện Bảo Lâm) cũng xuất hiện nhiều trường hợp lấn chiếm, xây dựng nhà kiên cố, nhà vách gỗ; hồ thủy điện K’Rông Nô 2 (xã Đưng K’ Nớh, huyện Lạc Dương) có một số lồng bè nuôi cá trái phép trên hồ…
Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp vi phạm nêu trên đã xuất hiện từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Theo đánh giá của Sở Công Thương, nguyên nhân là do một số UBND cấp huyện, xã và các chủ đầu tư quản lý phạm vi lòng hồ thủy điện phối hợp chưa tốt, chưa chặt chẽ. Các quy định về quản lý phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ đập, hồ chứa, vùng lòng hồ thủy điện tại địa phương và vùng bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước của địa phương còn chưa sát thực tế...
Trước thực trạng trên, Sở Công Thương kiến nghị, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, xử lý dứt điểm đối với các hoạt động vi phạm trong phạm vi bảo vệ đập, hồ thủy điện trên địa bàn, thực hiện các biện pháp cưỡng chế tại vị trí xung yếu.
Các địa phương tiếp tục khẩn trương chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND các xã có liên quan phối hợp với chủ đập, hồ thủy điện tăng cường tuyên truyền để các hộ dân không tiếp tục lấn chiếm, vi phạm đối với các diện tích đất thuộc công trình thủy điện, nhất là các khu vực xung yếu, các vị trí trọng yếu bảo vệ hồ, đập thủy điện.