TS. Ngô Công Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên, Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) cho biết, công trình nghiên cứu hai bộ tiêu chí về FDI của Viện đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ về tài chính của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT). Các tiêu chí được xác định trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật Đầu tư và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, xuất phát từ nhu cầu thực tế, kết hợp với tham vấn chuyên gia.
Bộ tiêu chí có tính khả thi cao, dễ thực hiện, có thể định lượng để xếp hạng các địa phương khi đánh giá hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
“Bộ tiêu chí được thiết kế dưới dạng cẩm nang tra cứu để người sử dụng dễ dàng tìm được các quy định của pháp luật liên quan đến dự án đầu tư, do đó, sẽ rút ngắn được thời gian xem xét ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án, đảm bảo thời hạn 35 ngày theo quy định”, TS. Ngô Trung Thành cho biết.
Theo TS. Phan Hữu Thắng, việc xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn và tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài về kinh tế-xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh.
Ông Thắng cũng cho biết, thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về thu hút FDI được ban hành; trong đó có các điều khoản quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn dự án FDI nhằm tạo hành lang pháp lý để các địa phương chủ động xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, các tiêu chí quy định về lựa chọn dự án FDI phân tán ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nên khi áp dụng vào thực tế có thể dẫn đến sai sót, lọt lưới các dự án không mong muốn.
Các báo cáo về dự án FDI hiện nay chủ yếu đánh giá dựa trên các chỉ tiêu kết quả thu hút và sử dụng vốn FDI cũng như đóng góp của khu vực FDI cho nền kinh tế, chưa có bộ tiêu chí đầy đủ đánh giá hiệu quả dự án FDI thống nhất ở các cấp, các ngành, các địa phương làm căn cứ cho việc giám sát, đánh giá hiệu quả thu hút và sử dụng FDI trên phạm vi quốc gia cũng như trong từng địa phương.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc cho biết, trước khi có chủ trương xây dựng các bộ tiêu chí về thẩm định dự án FDI và quản lý giám sát, công tác thẩm định các dự án FDI gặp một số khó khăn, bất cập nhất định.
Đa số nội bộ các bộ phận chuyên môn thẩm định tại các địa phương đều chủ động tổng hợp, cóp nhặt xây dựng một số tiêu chí thẩm định riêng để đánh giá các dự án FDI trên địa bàn.
Ngoài ra, thiếu bộ tiêu chí chung cũng khiến cho việc kiểm soát chất lượng và tác động của các dự án FDI gặp nhiều trở ngại. Quy trình thẩm định không rõ ràng, minh bạch cũng ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, khiến các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn khi lựa chọn địa điểm đầu tư.
“Có thể thấy, việc chưa có bộ tiêu chí thẩm định dự án FDI đã gây ra nhiều khó khăn, ảnh hưởng đáng kể đến công tác quản lý, thu hút và thúc đẩy đầu tư FDI”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc nhấn mạnh.
Cụ thể, bộ tiêu chí có 10 tiêu chí thẩm định; trong đó, 8 tiêu chí mang tính chất sàng lọc dự án, chỉ ra các quy định pháp luật liên quan đến thẩm định dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: hồ sơ và tư cách pháp lý của nhà đầu tư, lĩnh vực đầu tư, phù hợp với quy hoạch, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, bảo đảm năng lực tài chính, bảo đảm hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả sử dụng lao động, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Hai tiêu chí còn lại chỉ ra các quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án FDI chất lượng cao, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, có sức lan tỏa lớn và ưu đãi đầu tư theo ngành nghề, địa bàn khuyến khích đầu tư.
Ngoài ra, Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả FDI trên địa bàn cấp tỉnh cung cấp công cụ hữu hiệu để Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh giám sát, đánh giá đúng vị trí, vai trò và đóng góp của khu vực FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như kết quả đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong việc hợp tác đầu tư với nước ngoài.