Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2024 tăng 6% so với quý trước và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, là quý có mức tăng trưởng cao nhất trong 6 năm qua, cao hơn cả mức tăng của năm 2019 (năm trước khi có dịch COVID-19).
Phân tích diễn biến sản xuất công nghiệp trong các tháng của quý III/2024, Tổng cục Thống kê chỉ rõ, xu hướng tích cực tháng sau cao hơn tháng trước, cụ thể: Tháng 7/2024 tăng 1% so với tháng 6/2024 và tăng 13,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng 2,3%); tháng 8/2024 tăng 0,9% so với tháng 7/2024 và tăng 9,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 3,5%); tháng 9/2024 tăng 2% so với tháng 8 và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 2,9%).
Lý giải nguyên nhân tháng 9/2024, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn duy trì mức tăng trưởng cao, bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho biết, bão số 3 (Yagi) ảnh hưởng nhiều tới ngành công nghiệp khai khoáng (do phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết) và ngành sản xuất, phân phối điện (phụ thuộc vào nhu cầu của sản xuất và đời sống), tuy có ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng mức ảnh hưởng không lớn do có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo khắc phục nhanh sự cố mất điện, đảm bảo cung cấp điện ngay cho các doanh nghiệp.
Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất đã có các phương án chủ động phòng chống bão, khắc phục thiệt hại sau bão và tổ chức lại sản xuất, tăng ca sản xuất để bù lại lượng thành phẩm đã bị hỏng do bão, bù lại thời gian bị dừng sản xuất để đảm bảo thời gian giao hàng theo đúng các hợp đồng đã ký kết.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo ngoài việc bị ảnh hưởng của bão số 3, làm chậm lại tốc độ tăng trưởng nhưng trong quý cũng có các yếu tố tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng như một số nhóm ngành sản xuất định hướng xuất khẩu tăng cao: các doanh nghiệp ngành may, da giầy tận dụng tận dụng tốt các lợi thế từ thị trường nước ngoài như: bất ổn ở Bangladesh (quốc gia lớn thứ 2 thế giới trong ngành dệt, may, da giầy), rất nhiều đơn hàng của Bangladesh đã được chuyển sang cho các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp điện, điện tử cũng tăng khối lượng sản xuất do có nhiều đơn hàng xuất khẩu.
Cùng với đó, một số nhóm ngành sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước tăng cao: sản xuất xăng, dầu tăng cao do cùng kỳ năm trước một số doanh nghiệp nghỉ bảo dưỡng, năm nay gia tăng sản xuất; ngành sản xuất hóa chất có thêm tổ hợp hóa dầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã đi vào sản xuất từ cuối năm 2023 và chính thức vận hành thương mại trong quý III/2024, sản lượng sản xuất quý III tăng cao so với cùng kỳ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất ô tô tăng mạnh khối lượng sản xuất để tận dụng tốt lợi thế từ Nghị định NĐ 109/2024/NĐ-CP giảm 50% thuế trước bạ cho xe lắp ráp trong nước có hiệu lực từ 1/9/2024 để chuẩn bị hàng tiêu thụ cho các tháng tới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất giường, tủ, bàn ghế cũng tăng khối lượng sản xuất do có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu.
“Như vậy, có thể thấy công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2024 vẫn có sự tăng trưởng mạnh mẽ và vẫn tiếp tục thể hiện rõ vai trò là động lực chính cho tăng trưởng trong quý, bù đắp sụt giảm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Nhiều động lực tăng trưởng trong quý III/2024 sẽ còn tiếp tục duy trì và phát huy trong quý IV/2024”, Vụ trưởng Đinh Thị Thúy Phương nhấn mạnh.