“Khảo sát Hải Phòng và Quảng Ninh, tại các khu công nghiệp (KCN) bị ảnh hưởng bởi bão lũ, các doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất nhanh, chỉ sau khoảng hơn 1 tuần đã phục hồi. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt ngành nuôi trồng, chăn nuôi… cần phải có thời gian dài ngày. Ngành du lịch để phục hồi cũng phải mất nhiều thời gian. Trong báo cáo với Chính phủ, Bộ KH&ĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm hơn đối với 2 ngành nông nghiệp và du lịch, nhất là tại các khu vực bị thiệt hại”, ông Trần Quốc Phương cho biết.
Thống kê đến nay, ngành Ngân hàng đã hỗ trợ cho vay vốn khoảng 84.500 lượt đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão, với tổng số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo xuất cấp 432,6 tấn gạo để cứu đói, cũng như chi ngay từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương triển khai ngay hỗ trợ cho bà con.
“Thiệt hại do bão và hoàn lưu bão số 3 theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, GDP năm 2024 ước giảm 0,15 điểm %, nhưng quý III/2024 vẫn bảo đảm tăng trưởng 7,4% và 9 tháng năm nay đạt 6,82%”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nêu rõ.
Theo kịch bản xây dựng trên cơ sở kết quả tăng trưởng quý III và 9 tháng năm nay, Bộ KH&ĐT báo với Thủ tướng Chính phủ giữ mục tiêu phấn đấu 7% cả năm 2024, thậm chí nếu có điều kiện tốt hơn có thể cao hơn 7%. Về giải pháp, Bộ tham mưu Chính phủ thúc đẩy sự chia sẻ, nỗ lực từ các địa phương không bị ảnh hưởng nặng, các địa phương có tiềm năng tăng trưởng để bù đắp lại cho những địa phương bị thiệt hại nặng hơn.
Bộ KH&ĐT đã đề xuất 2 địa bàn trọng điểm là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, là đầu tàu cả nước phấn đấu cao hơn, điều này sẽ tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế cả nước cuối năm, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 7%. Bộ đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thành nghị quyết thường kỳ để sớm triển khai các giải pháp liên quan đến tăng trưởng kinh tế.